Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số

Thứ bảy - 11/11/2023 23:21
Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số

Quyết định số 146 ngày 28/01/2022 của Thủ tướng về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Đến năm 2015, các chỉ tiêu cần đạt được là 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số.

100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia.

70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

Quyết định 146 cũng nêu chỉ tiêu đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia; đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Theo thông tin của Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng, chỉ chiếm 2,8% tổng số lao động đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong khi yêu cầu đặt đặt ra kinh tế số phải chiếm 20% GRDP vào năm 2025. 

Báo cáo thị trường tuyển dụng 2022 và nhu cầu tuyển dụng 2023 do TopCV công bố cho biết, IT phần mềm là một trong 3 vị trí được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2022. Tại các doanh nghiệp, phòng ban có tỷ lệ thiếu hụt nhân sự cao nhất có tên IT.

Theo dự báo của TopCV, IT phần mềm là một trong các vị trí tiếp tục được tuyển dụng nhiều nhất năm 2023.

Tuy nhiên, nếu nói rằng chuyển đổi số chỉ là công việc của đội ngũ IT là không chính xác. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi môi trường làm việc của tổ chức, cách thức và các quy trình hoạt động tại các bộ phận nói chung và của mỗi cá nhân nói riêng.

Vì vậy, chuyển đổi số không phải công việc của riêng một bộ phận nào hay từ phía lãnh đạo mà cần sự tham gia và gắn kết của toàn bộ nhân sự trong tổ chức. Việc nâng cao năng lực số cho toàn bộ nhân sự - với sự dẫn dắt của các nhân sự được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin - là điều cần thiết.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, thực tiễn cho thấy, nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp vẫn chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Điều này dẫn tới một thực trạng là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. 

“Chúng ta đang thực hiệnchuyển đổi số một cách tốc lực với tốc độ nhanh, khối lượng lớn, yêu cầu cao. Tuy nhiên hiện nay việc đào tạo chuyển đổi số đang bị thu hẹp cục bộ vào trong một số nhóm, một số diện hẹp nhất định.

Từ đó dẫn đến thực tế đào tạo chuyển đổi số mới đang chạy theo các chỉ tiêu, còn chất lượng đào tạo cán bộ chuyển đổi số ở 3 cấp độ là chuyên gia tư vấn về CĐS, chuyên gia đào tạo về CĐS và chuyên gia chuyên trách về công việc chuyển đổi số đang là điểm thiếu lớn nhất của Việt Nam” – ông Lê Nguyễn Trường Giang nói.

Mỗi năm Việt Nam mới đào tạo được khoảng 65.000 nhân lực về công nghệ thông tin, chưa đáp ứng được 50% về nhu cầu. Về chất lượng, chỉ có 30% nhân lực CNTT mới ra trường đáp ứng được ngay yêu cầu của công việc.

Chuyển đổi số thực sự là đưa một phương tiện, một tiến trình vào để cuối cùng đạt được các mục tiêu về kinh tế, chính trị, xã hội. Theo như NQ52, đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Muốn thực hiện điều đó, điều đầu tiên cần là con người. Chúng ta phải chuyển đổi nhận thức, đào tạo kỹ năng số, đào tạo cán bộ CĐS” – Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số nhấn mạnh.

Hiện nay, xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số như tại TP Đà Nẵng, UBND thành phố thường xuyên tổ chức các hội thảo mời các chuyên gia, các nhà khoa học để cập nhật các kiến thức, công nghệ mới cho cán bộ. Từ đó sẽ hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn CĐS để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ CĐS trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp.

Đặc biệt, thành phố sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho các Tổ Công nghệ số cộng đồng nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng ứng dụng công nghệ số, hướng đến hình thành đội ngũ nòng cốt để lan tỏa, đưa công nghệ số đến từng người dân.

Tại TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong công tác chuyển đổi số, Sở Thông tin và truyền thông đang hợp tác với các tổ chức quốc tế đào tạo năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, công chức thành phố. Đối với khối tư nhân, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt đã sử dụng đơn vị chuyên đào tạo chuyển đổi số.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở đưa lên Cổng thông tin chuyển đổi số thành phố những khóa học, chương trình, cẩm nang, các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ miễn phí để doanh nghiệp tự nghiên cứu.

Tại một số doanh nghiệp công nghệ “đầu đàn”, FPT đang đầu tư mạnh mẽ cho AI (trí tuệ nhân tạo) ở góc độ đầu tiên là con người. Hiện nay, FPT đã quy tụ 500 chuyên gia, 50 Tiến sĩ/Thạc sĩ AI và tiếp tục tuyển dụng nhân tài trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân sự mạnh, FPT đã hợp tác với viện nghiên cứu AI, công ty AI hàng đầu thế giới để đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng về AI.

Cùng với Landing AI, đã có 20 chuyên gia của FSOFT AI Center được đào tạo và đạt chứng chỉ quốc tế do Landing AI chứng nhận về Thị giác máy tính, góp phần vào việc nâng cao chất lượng nhân sự của FPT khi làm việc với các khách hàng là Top công ty về sản xuất trên thế giới.

Nguồn lực AI sẽ được bổ sung từ 1.300 sinh viên chuyên ngành AI của Đại học FPT và 300 sinh viên được FPT đào tạo thực tiễn AI hàng năm. Công ty này cũng ươm mầm cho tài năng công nghệ với hợp tác với IPPG - đưa FPT Education trở thành một trong những tổ chức giáo dục hiếm hoi đào tạo AI/robot ngay từ cấp 1.

Để có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn, Quyết định 146 đưa ra các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số bao gồm Tổ chức các kháo đào tạo, bồi dưỡng tập huấn trong các cơ quan nhà nước đến cấp xã, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Lựa chọn tối thiểu 1.000 cán bộ từ các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu số…

Cần hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở liên kết 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong và ngoài nước; xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình Giáo dục đại học số; tổ chức đào tạo giáo viên dạy các hoạt động giáo dục liên quan đến tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông về phương pháp STEM/STEAM; tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chuyên ngành công nghệ số như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tài chính số, kinh doanh số, truyền thông số… cùng nhiều giải pháp khác.

Nguồn tin: Ban Phòng trào Tỉnh Đoàn tổng hợp:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay24,605
  • Tháng hiện tại216,782
  • Tổng lượt truy cập5,460,613
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây