Tháng 5 nhớ về người phụ trách Đội đầu tiên

Thứ năm - 24/05/2018 04:28
Đã 76 mùa hoa, bao thế hệ đội viên, thiếu niên nhi đồng được rèn luyện, trưởng thành đã nối tiếp nhau viết nên truyền thống vẻ vang của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh, xây dựng Đội ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Để có được những kết quả đó có vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự dìu dắt của Đảng, của Đoàn thanh niên và các thế hệ anh chị phụ trách Đội. Trong đó, anh Đàm Minh Viễn là một trong những tấm gương tiêu biểu được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập tổ chức Đội nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh).
Tháng 5 nhớ về người phụ trách Đội đầu tiên
Tháng 5 nhớ về người phụ trách Đội đầu tiên

Đàm Minh Viễn (tức Đức Thanh) sinh năm 1918 (có tài liệu ghi 1919), là người dân tộc Tày tại làng Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, có 7 anh em. Anh cả là Đàm Văn Lý (bí danh Quý Quân), tham gia cách mạng từ rất sớm. Người em út là Đàm Ngọc Lưu, tức thượng tướng Đàm Quang Trung, sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam. Làng Nà Nghiềng bấy giờ là một trong những ngôi sao cách mạng. Cái tên Nà Nghiềng trong tiếng Tày được hiểu là ngang ngạnh, là không chịu khuất phục, là kiên cường như chính mảnh đất và con người nơi đây. Được nuôi dưỡng từ truyền thống yêu nước của gia đình và truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương, Đàm Minh Viễn đã sớm giác ngộ và theo anh trai là Đàm Văn Lý tham gia cách mạng từ năm 1930, khi mới 11 tuổi.
 
Liệt sĩ Đàm Minh Viễn 
 
Cuối năm 1940, anh lánh sang Trịnh Tây, Trung Quốc rồi cùng Lê Quảng Ba về dự lớp huấn luyện ở Nặm Quang. Qua tìm hiểu về địa thế Cao Bằng và truyền thống lịch sử, phong trào cách mạng từ một số thanh niên yêu nước thời đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chọn Cao Bằng làm nơi trở về gây dựng căn cứ địa cách mạng. Năm 1941, nhân dân Cao Bằng được vinh dự đón Bác Hồ trở về; từ đây, Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng) trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Thời điểm bấy giờ, phong trào cách mạng đã len lỏi đến từng làng, từng xóm, đồng bào ta từ người già đến trẻ nhỏ đều biết đến cách mạng, đều tự giác tham gia cách mạng. Như lời anh Đức Thanh từng nói với Nông Văn Dền (sau này là Kim Đồng) và các bạn nhỏ trong xóm: "Bây giờ anh cắt nghĩa cho các em nghe, hội cứu quốc để đánh Tây, đuổi Nhật, hai kẻ thù của dân tộc mình. Cả nước ta ai muốn đánh Tây đuổi Nhật đều vào hội cứu quốc của Việt Minh. Các cụ già vào phụ lão cứu quốc, phụ nữ thì phụ nữ cứu quốc. Thanh niên thì thanh niên cứu quốc. Ai khỏe mạnh thì vào đội tự vệ cứu quốc để tập luyện chiến đấu...".

Là người thông minh, nhanh nhẹn, lại được học hành từ nhỏ, Đàm Minh Viễn nhanh chóng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian Người sống và làm việc tại Pác Bó. Trong thời gian này, với bản tính thân thiện, cởi mở, Đàm Minh Viễn nhanh chóng tiếp cận đồng bào và thanh niên địa phương. Đến nay, người dân Hà Quảng vẫn trìu mến gọi anh bằng cái tên thân thuộc do Bác Hồ đặt cho - anh Đức Thanh.

Tại Pác Bó, Đức Thanh căn cứ vào bản Điều lệ Việt Minh và Điều lệ của các tổ chức quần chúng khác để soạn thảo Điều lệ Đoàn thanh niên cứu quốc. Từ đó, bản điều lệ được đích thân anh tuyên truyền, giác ngộ cho 1 nhóm thanh niên yêu nước đầu tiên tại Nà Mạ như: anh Bát Ngư, Phục Hưng, Phục Quốc(tên đoàn thể đặt cho).... Từ nhóm thanh niên yêu nước này, ngày 20/4/1941, Chi đoàn thanh niên cứu quốc đầu tiên được thành lập tại Pài Cốc, Nà Mạ do Đức Thanh làm Bí thư. Đây là Chi đoàn thanh niên cứu quốc đầu tiên của tỉnh Cao Bằng cũng như của cả nước. Nhờ tài khéo léo, nhanh nhạy nắm bắt nguyện vọng của thanh niên, lại am hiểu văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng...tại địa phương nên Đức Thanh cùng các đoàn viên tích cực khác trong Chi đoàn đã tập hợp thêm được nhiều thanh niên tại các làng, các xóm khắp Hà Quảng cùng tham gia. Trực tiếp nhóm thanh niên yêu nước đầu tiên này cũng đã giác ngộ cách mạng cho lứa thiếu niên, nhi đồng trong làng. Nhận thấy tinh thần nhiệt tình cách mạng cũng như tài chỉ huy của Nông Văn Dền (Kim Đồng), qua những lần đi bán thuốc anh Đức Thanh đã tiếp cận và tập hợp Dền trở thành một trong những thiếu niên đầu tiên trong Đội nhi đồng cứu quốc. Ngày 15/5/1941, tại đồi Thoong Mạ, anh Đức Thanh trực tiếp tổ chức thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc gồm 5 thành viên: Nông Văn Dền (Kim Đồng), Nông Văn Thàn (Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (Thanh Minh), Lý Thị Nì (Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (Thanh Thủy). Kim Đồng được bầu làm đội trưởng.

Các đội viên đầu tiên được anh Đức Thanh trực tiếp dạy văn hóa, dạy chữ, dạy các em biết lẽ phải, biết "làm cách mạng"... Có lẽ, ở vùng đất bốn bề núi đá sừng sững này, con người dường như cũng rắn rỏi, kiên cường hơn, trẻ con cũng làm cách mạng như người lớn khi mà xóm làng thân thuộc của chúng in dấu giày xâm lược, khi mà cha chúng, anh chúng bị bắt đi phu biệt tăm nơi biên giới và khi mà những đứa trẻ lên mười buộc phải trở thành trụ cột của gia đình, làm những công việc của người lớn... Những cán bộ như anh Đức Thanh, anh Bát Ngư, anh Phục Quốc...là những tấm gương sáng mà trẻ con trong vùng bấy giờ ngưỡng mộ và noi theo. Trong đó, anh Đức Thanh là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm, lại được làm việc bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, anh đã sớm nhận ra và tiếp lửa cho ngọn lửa cách mạng bùng lên trong những đứa trẻ ấy. Và từ đó, phong trào cách mạng trong thiếu niên nhi đồng và thanh niên lan rộng từ Hà Quảng đến khắp Cao Bằng. Tổ chức Việt Minh có mặt ở đâu thì ở đó có tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc, Đoàn lại dìu dắt Đội nhi đồng cứu quốc.

Hoạt động trong điều kiện bí mật, để phát triển Đoàn thanh niên cứu quốc, Đội nhi đồng cứu quốc, anh Đức Thanh đã không quản ngại vất vả, bằng mọi cách tiếp cận đối tượng thanh niên, thiếu niên nhi đồng để tìm ra những người ưu tú cho tổ chức của mình. Theo các tài liệu ghi chép, anh Đức Thanh rất hoạt bát, sáng tạo ứng biến linh hoạt trong các tình huống. Để che mắt địch, anh đã sang Trung Quốc học xiếc và nhận bán thuốc cho 1 hiệu thuốc chữa các bệnh thông thường. Vừa đi rao thuốc vừa biểu diễn xiếc, thu hút rất đông người dân các thôn bản đến xem, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Từ đó, anh có điều kiện nắm tình hình, phát hiện những thanh thiếu niên tốt để kết bạn, giác ngộ cách mạng, tranh thủ sự ủng hộ của họ để phát triển tổ chức, phát triển phong trào cứu quốc. Anh lại là người địa phương nên đặc biệt am hiểu phong tục tập quán, văn hóa của người dân, cộng với bản chất thật thà, vồn vã, hiền hậu vốn có của người dân tộc, lại có tài làm xiếc biểu diễn... nên được bà con trong vùng đặc biệt yêu mến. Anh đã dành cả tuổi trẻ của mình cho việc phát triển tổ chức Đoàn thanh niên, Đội nhi đồng cứu quốc, tạo nên nhiều phong trào, bước ngặt cho lịch sử cách mạng: Năm 22 tuổi tổ chức Chi đoàn thanh niên cứu quốc, Đội nhi đồng cứu quốc; 23 tuổi là Bí thư Tỉnh Đoàn thanh niên cứu quốc; 24, 25 tuổi tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng và cướp chính quyền ở tỉnh Lạng Sơn; 26, 27 tuổi là Trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng, phụ trách quân sự trong Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ...

Năm 1946, anh Đức Thanh hy sinh khi tuổi đời chưa tròn 30, khép lại những năm tháng hoạt động sôi nổi, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho quê hương mà chưa một lần nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. Cuộc đời anh là tấm gương cho tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, nhiệt huyết, say mê cống hiến của thanh niên; từ tấm gương của anh đã thôi thúc các thế hệ thanh thiếu niên trên khắp mọi miền Tổ quốc phấn đấu, rèn luyện, trở thành những người công dân có ích, những người đoàn viên, đội viên ưu tú kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Tháng 5 về, nắng đổ vàng trên các mái nhà ngói đỏ tươi, những đồng lúa trĩu bông, những ruộng ngô xanh mướt vươn mình trong gió như chính sức sống mãnh liệt mà dẻo dai của người dân nơi đầu nguồn cách mạng. Cuộc sống ấm no, yên bình hôm nay là hiện hữu thiêng liêng cho những hy sinh lặng lẽ của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. 76 năm ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội, là dịp để mỗi thiếu nhi, đội viên ôn lại lịch sử hào hùng của Đội TNTP Hồ Chí Minh và cùng nhớ về anh Đức Thanh - người phụ trách Đội đầu tiên, người con ưu tú của quê hương cách mạng. Các thế hệ thiếu niên nhi đồng trên khắp mọi miền Tổ quốc hôm nay nguyện noi gương anh viết tiếp truyền thống vẻ vang, xây dựng tổ chức Đội ngày càng vững mạnh, xứng đáng với tên gọi Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Tác giả: Như Nguyệt

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay9,332
  • Tháng hiện tại133,066
  • Tổng lượt truy cập5,376,897
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây