Báo chí Việt Nam ngại thay đổi vì sợ cắt “bầu sữa” ngân sách
Theo số liệu mới nhất của Wearesocial, thời lượng sử dụng Internet để đọc báo của người dùng Việt Nam tính trung bình khoảng 2 tiếng mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với thời gian sử dụng mạng xã hội (2,5 tiếng/ngày). Sự nổi lên của các phương tiện truyền thông xã hội và việc thay đổi thói quen của độc giả là một trong những lý do tác động vào báo chí, buộc các tòa soạn phải thay đổi, chuyển đổi số nhiều hơn các hoạt động của mình.
Tại Việt Nam, thời gian qua việc chuyển đổi số đã diễn ra tại một số cơ quan báo chí. Tuy vậy, chia sẻ tại hội thảo chuyển đổi số báo chí được tổ chức sáng 27/10, ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, có sự khác biệt giữa tư duy chuyển đổi số báo chí Việt Nam và thế giới.
“Trên thế giới, việc chuyển đổi số báo chí đồng nghĩa với chuyển đổi nguồn thu mô hình kinh doanh, còn tại Việt Nam, chuyển đổi số báo chí thường hay được nhìn nhận dưới góc độ nhiệm vụ chính trị”, ông Nhật thẳng thắn chia sẻ.
Lấy dẫn chứng, Phó Tổng biên tập Báo VietnamPlus cho biết, tại các địa phương, nhiều tờ báo được tỉnh cấp kinh phí hoạt động, nên việc thay đổi mô hình kinh doanh báo chí thường là điều cấm kỵ bởi các cơ quan này sợ bị cắt “bầu sữa” ngân sách.
Theo ông Nhật, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đang nhầm lẫn số hóa với chuyển đổi số, đặc biệt là tại các địa phương. Nhiều lãnh đạo tờ báo địa phương nghĩ để chuyển đổi số chỉ việc mua máy tính là xong, thay vì nói đến chuyển đổi số nguồn thu, sản phẩm.
Trên thế giới, nguồn thu của tòa soạn từ việc thu phí độc giả đang tăng trưởng. Trong khi ở Việt Nam, nhiều tờ báo chưa thu phí độc giả nhưng đã nói là không thể làm được, đây cũng là một thách thức khác về mặt tư duy.
Muốn thay đổi cơ quan báo chí, cần thay đổi mạnh ở cơ cấu tòa soạn. Điểm chung của các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công trên thế giới là trong các cuộc họp tòa soạn không chỉ có phóng viên, biên tập viên mà còn có các bộ phận khác như marketing, sản phẩm, kỹ sư, chăm sóc khách hàng,...
Các tờ báo cũng cần xây dựng mối quan hệ mới với độc giả, sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa trải nghiệm cho người đọc và xây dựng nhóm độc giả trung thành. Để làm được điều đó, việc đầu tiên cần làm là thu thập dữ liệu. Khi có dữ liệu, tờ báo sẽ hiểu độc giả hơn, biết họ là ai, nam hay nữ, độ tuổi, sở thích,... từ đó xây dựng tập độc giả trung thành để tiến tới thu phí theo hình thức thuê bao.
Chuyển đổi số báo chí bằng dữ liệu, đa dạng hóa nguồn thu
Số liệu của Reuters Institute Digital News Report chỉ ra rằng, kể từ năm 2013 đến nay, doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình truyền thống và báo in trên thế giới đang giảm mạnh, doanh thu của báo điện tử và lĩnh vực phát thanh giảm nhẹ, trong khi doanh thu của truyền thông xã hội tăng nhanh.
Một trong những xu hướng chuyển đổi rõ nét nhất của báo chí thế giới hiện nay là chuyển phần lớn doanh thu từ quảng cáo sang mô hình thu phí thuê bao.
Ví dụ kinh điển của mô hình này là sự thành công của tờ The New York Times, với tỷ trọng doanh thu từ độc giả năm 2022 chiếm tới 42% tổng doanh thu tờ báo. Tại Việt Nam, người dùng dù đã quen với việc sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, thế nhưng tỷ lệ độc giả trả phí đọc báo còn thấp.
Theo ông Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký phụ trách báo chí, xuất bản (Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam), chuyển đổi số báo chí đã trở thành xu hướng tất yếu không thể thay đổi. “Các cơ quan báo chí giờ đây phải trả lời câu hỏi chuyển đổi số để tồn tại hay là chết”, ông Lương nói.
Gợi mở lời giải cho bài toán chuyển đổi số báo chí Việt Nam, ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cho rằng, trước đây trong giới báo chí có quan điểm “Content is King” hay “Nội dung là vua”, nhưng trong tương lai, “Dữ liệu mới là vua”.
Mô hình kinh doanh báo chí tương lai sẽ tập trung nhiều vào chuyển đổi số, dữ liệu số, đa kênh. Ở thời đại số, các tòa soạn cần thay đổi cách thức tiếp cận khán giả theo hướng đa kênh, và làm sao phải thu thập được thật nhiều dữ liệu từ độc giả.
Các tòa soạn báo cũng có thể tiến hành liên kết, bán chéo dịch vụ, hợp tác kinh doanh với các ngân hàng, công ty chăm sóc sức khỏe,... nhằm đa dạng hóa nguồn thu.
Quan trọng hơn, các tờ báo cần tập trung vào thế mạnh cốt lõi của mình, tích cực đào tạo đội ngũ kỹ thuật, sản xuất, phóng viên, có khả năng thích ứng linh hoạt với các nền tảng số. Các tòa soạn cần phải đầu tư nhiều hơn, trả nhiều tiền hơn cho các nền tảng công nghệ, song song đó là đẩy mạnh giá trị thương hiệu và tăng tính cạnh tranh của tờ báo.
Nguồn tin: Ban Phòng trào Tỉnh Đoàn tổng hợp:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn