Đồng chí Đàm Minh Viễn (tên thật là Đàm Văn Lân, các bí danh là Kỳ Sư, Đức Thanh), dân tộc Tày, sinh ngày 18/9/1919 tại làng Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, được nuôi dưỡng từ truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia phong trào yêu nước từ năm 1930, khi mới 11 tuổi.
Năm 1940, đồng chí Đàm Minh Viễn vinh dự trở thành một trong 40 học trò được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp rèn luyện tại Trung Quốc. Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, đồng chí được trực tiếp làm việc bên cạnh Người tại hang Cốc Bó và được giao nhiều trọng trách quan trọng. Trong đó, đồng chí Đàm Minh Viễn được giao nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho thanh thiếu nhi khu vực Pác Bó và làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng để tổ chức thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc và Hội Nhi đồng cứu quốc. Đồng chí Đàm Minh Viễn đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và tổ chức thành lập Hội Nhi đồng cứu quốc (Đội thiếu nhi cứu quốc) – tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh vào ngày 15/5/1941, tại đồi Thoong Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Đội gồm 05 thành viên: Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng), Nông Văn Thàn (bí danh Cao Sơn), Lý Văn Tinh (bí danh Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (bí danh Thanh Thủy), Kim Đồng được bầu làm đội trưởng. Đội có mục đích là tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà, với nhiệm vụ làm liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác cho các cuộc họp của Đảng. Các đội viên đầu tiên được đồng chí Đàm Minh Viễn trực tiếp dạy văn hóa, dạy chữ, dạy các em biết lẽ phải, biết “làm cách mạng”.
Hoạt động trong điều kiện bí mật, để phát triển phong trào của Hội Nhi đồng cứu quốc, đồng chí Đàm Minh Viễn đã không quản ngại vất vả, bằng mọi cách tiếp cận đối tượng thiếu niên, nhi đồng để tìm ra những người ưu tú cho tổ chức. Theo các tài liệu ghi chép, đồng chí rất hoạt bát, sáng tạo ứng biến linh hoạt trong các tình huống. Để che mắt địch, đồng chí đã sang Trung Quốc học xiếc và nhận bán thuốc cho một hiệu thuốc chữa các bệnh thông thường. Vừa đi rao thuốc vừa biểu diễn xiếc đã thu hút rất đông người dân các thôn bản đến xem, đặc biệt là đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, đồng chí có điều kiện nắm tình hình, phát hiện những thiếu niên, nhi đồng tốt để kết bạn, giác ngộ cách mạng, tranh thủ sự ủng hộ của họ để phát triển tổ chức, phát triển phong trào cứu quốc.
Trong giai đoạn từ năm 1941 – 1945, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng tại Cao Bằng, Lạng Sơn và các tỉnh phía Nam. Giữa năm 1946, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Đàm Minh Viễn đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí. Đồng chí hy sinh khi mới 27 tuổi xuân, trong đó có hơn 16 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, khi đang mang trong mình đầy nhiệt huyết của ngọn lửa cách mạng và người cán bộ, người chỉ huy từng được Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, nhiệt huyết, say mê cống hiến, nguyện chiến đấu, xả thân vì quê hương, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc./.