Nhận thức được vai trò tiên phong, xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, xã hội và trong công cuộc chuyển đổi số. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về chuyển đổi số, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia chuyển đối số trong các lĩnh vực, trước hết là chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn.
Chuyển đổi số trong các hoạt động của Đoàn, đầu tiên phải kể đến chuyển đổi số trong công tác tổ chức Đoàn và đoàn viên. Từ năm 2022, Trung ương Đoàn đã vận hành hệ thống phần mềm quản lý đoàn viên. Theo đó, thông tin của từng đoàn viên được cập nhập trên phần mềm quản lý đoàn viên và tích hợp trên app Thanh niên Việt Nam. Đồng thời, các nghiệp vụ về quản lý đoàn viên như kết nạp đoàn viên mới, tiếp nhận và chuyển sinh hoạt đoàn, đánh giá xếp loại đoàn viên hằng năm đều thực hiện trên phầm mềm quản lý đoàn viên. Đây là nội dung chuyển đổi số mạnh mẽ, qua đó đồng bộ hóa dữ liệu đoàn viên thanh niên cả nước, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đoàn viên, thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí cho các cấp bộ Đoàn.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, các cấp bộ Đoàn đã sử dụng hiệu quả các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Hiện nay từ cấp cơ sở đến cấp trung ương đều vận hành hiệu quả các trang tin chính thức của Đoàn, Hội trên mạng xã hội. Trang facebook “Tuổi trẻ Cao Bằng” của Tỉnh Đoàn thu hút 10.000 lượt theo dõi, nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội. Qua đó, góp phần lan tỏa các thông tin về hoạt động của các cấp bộ Đoàn; kịp thời định hướng, tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên và đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn đã ra mắt app Thanh niên Việt Nam cài đặt trên điện thoại thông minh với nhiều tính năng phù hợp với giới trẻ, cung cấp một kênh thông tin chính thức, tin cậy, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn.
Năm 2022 vừa qua là năm diễn ra Đại hội Đoàn các cấp, Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Ngày hội của tuổi trẻ đã được số hóa mạnh mẽ từ công tác điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt, tích hợp tài liệu và thông tin đại hội trong mã QR; trưng bày sách và không gian số; chuyển đổi số 4.0 trải nghiệm công nghệ VR… Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn tích cực tổ chức các hội nghị, cuộc thi dưới hình thức trực tuyến, thực hiện phòng họp không giấy góp phần tiết kiệm chi phí, tài liệu, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.
Bên cạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Đoàn, các cấp bộ Đoàn tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên và nhân dân về chuyển đổi số. Tổ chức các ngày hội, hội nghị, hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, tham gia tổ công nghệ số cộng đồng, vận động người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tài khoản thanh toán điện tử, tập huấn kỹ năng tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử; phối hợp cùng Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử VnEID. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền quảng bá, số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tỉnh đoàn thanh niên đã thực hiện số hóa khu di tích lịch sử Kim Đồng, Di tích lịch sử văn hóa Chùa Sùng Phúc, huyện Hạ Lang và di tích lịch sử Đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc.
Đặc biệt, năm 2023, Tỉnh Đoàn phối hợp với VNPT Cao Bằng, Sở Thông tin và truyền thông tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong học tập, lao động, công tác”. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số, tìm kiếm và hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi số trong các hoạt động của Đoàn và tuổi trẻ tỉnh còn rất nhiều khó khăn, hạn chế như: nhận thức của một bộ phận đoàn viên, thanh niên và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ, chính xác; số lượng các xóm vùng sâu, vùng xa chưa có điện, chưa có sóng điện thoại còn nhiều; trang thiết bị tại các cơ sở đoàn chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin; quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các đối tượng đoàn viên và giữa các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của tuổi trẻ tỉnh Cao Bằng trong công tác chuyển đổi số, cũng như tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động của Đoàn, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất: Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về về vai trò của công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; thông tin về các câu chuyện, bài học kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số trong nước và ngoài nước; thông tin, định hướng để thanh niên tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ số,…
Thứ hai: Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tiếp cận nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên và cộng đồng thông qua các diễn đàn, ngày hội, hội nghị tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tài khoản thanh toán điện tử; cài đặt, sử dụng ứng dụng định danh điện tử... Phối hợp tổ chức các hoạt động tìm hiểu, các cuộc thi về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ ba: Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thông qua nền tảng số; đưa hộ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong đó lực lượng đoàn viên giữ vai trò nòng cốt. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ số, kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng; đưa hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng vào nề nếp, mang lại hiệu quả thực chất, thiết thực.
Thứ năm: Tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động của đoàn, nghiên cứu mở rộng ứng dụng công nghệ số trong các mặt công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi như công tác thi đua khen thưởng, quản lý hồ sơ cán bộ, số hóa dữ liệu văn bản; tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương tạo điều kiện nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cấp bộ Đoàn; phát huy hơn nữa hiệu quả của phần mềm quản lý đoàn viên và app Thanh niên Việt Nam.
Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, hy vọng rằng trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ, đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số chung của tỉnh Cao Bằng.