Xác định đúng, đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, năm 5 qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới đã đạt nhiều kết quả, nổi bật như sau:
Một là, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản và thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả ở khu vực biên giới, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Tiêu biểu như: Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, giai đoạn 2017-2021” (đã tổng kết); Kế hoạch số 1909/KH-UBND, ngày 05/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn hoạt đông xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;
Hai là, cấp ủy, chính quyền các huyện, xã, thị trấn biên giới và các đồn Biên phòng có nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch tuyên truyền phù hợp với điều kiện dân cư;
Ba là, về nguồn nhân lực phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp từ huyện, xã, các ngành, các đơn vị thường xuyên được kiện toàn thành viên Hội đồng, Đề án và đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên nhằm tạo lực lượng nòng việc tuyên truyền. Công tác kiểm tra hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm, chú trọng, vai trò của các cơ quan tham mưu cho Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật được phát huy.
Bốn là, các địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai, thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, sáng tạo phù hợp với đặc điểm dân cư và tình hình cụ thể từng địa bàn:
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng và tổ chức nhiều kế hoạch tuyên truyền chuyên đề, chuyên sâu như: Kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tiền giả tại địa bàn xã Đức Long, Thị trấn Tà Lùng và xã Đàm Thủy; Kế hoạch tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; Kế hoạch chỉ đạo các đơn vị cơ sở tổ chức phát động Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới; Kế hoạch tăng cường tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, ngăn chặn xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid – 19 tại địa bàn Đồn Biên phòng Ngọc Côn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh, bằng các hình thức rất cụ thể (tuyên truyền tập trung, tuyên truyền đến tận từng gia đình, gặp gỡ từng người, phát tờ rơi…..), từ đó đã góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới.
Trong thực hiện Đề án: Thông qua 40 Câu lạc bộ Tư vấn pháp luật tại 40 xã, thị trấn biên giới; đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 1.525 buổi/85.736 lượt người tham gia; Ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường học phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa và tại thực địa đường biên, cột mốc được 175 lần/9.850 lượt giáo viên và học sinh tham gia; lồng ghép trong các hội nghị, các cuộc họp của xã, thôn, bản, đồn Biên phòng, nhà trường và các cơ quan, đơn vị ở khu vực biên giới; tổ chức tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh, chiếu băng đĩa hình; đã in và phát 185.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật; bằng hình thức sân khấu hóa, phục vụ được 06 đợt/ 12 buổi/ khoảng trên 10.000 lượt người tham dự; tuyên truyền có hiệu quả trên các trang Fanpage của các ngành, các đơn vị, địa phương….
Năm là, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đại đa số cán bộ, Nhân dân khu vực biên giới được nâng lên, có ý thức tự giác cao trong chấp hành pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng biên giới ổn định, hợp tác và phát triển.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân ở khu vực biên giới cần có những giải pháp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả đó là:
Một là, để triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các đơn vị; sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Hai là, phải xây dựng được lực lượng tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở làm nòng cốt (cán bộ đồn Biên phòng, cán bộ xã và đội ngũ già làng, trưởng bản, bí thư, người có uy tín), tích cực bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ thôn bản, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo và cộng đồng dân cư; về lâu dài cần chủ động, quan tâm đào tạo số cán bộ trẻ, tập hợp đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ tham gia các câu lạc bộ tư vấn pháp luật nhằm bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bền vững cho địa phương.
Ba là, phát huy hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá, các loại hình hoạt động văn hoá nghệ thuật thường thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; tận dụng triệt để những mặt tích cực của sự phát triển công nghệ, internet và mạng xã hội.
Bốn là, phải căn cứ vào từng đối tượng, nhóm đối tượng để áp hình thức, lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp thì mới đạt hiệu quả (cán bộ, nhân dân, học sinh...).
Năm là, tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới phải luôn gắn với phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời, phải đi đôi với việc nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống cho nhân dân, có sự đãi ngộ xứng đáng đối với người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; trang bị cho người dân thói quen tự tìm hiểu, học tập và áp dụng các quy định của pháp luật một cách đúng đắn./.