Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động. Bản chất của Đảng thể hiện trước hết ở mục tiêu, lý tưởng và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Đảng lãnh đạo xã hội, đồng thời cũng là một thực thể tồn tại trong xã hội, cho nên Đảng phải được xây dựng và phát triển trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc tổ chức và quy luật khách quan.
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bất cứ đảng nào cũng có lúc phạm phải sai lầm. Vấn đề là, đứng trước những sai lầm, mỗi đảng có thái độ ứng xử và cách thức xử lý khác nhau. Theo Ph.Ăngghen: “Giai cấp vô sản, cũng như tất cả các đảng khác, sẽ học tập nhanh nhất qua những sai lầm bản thân, những sai lầm này không ai có thể tránh hoàn toàn cho họ được” (2). Vì vậy, nghiêm túc nhìn nhận ra sai lầm và thành thật sửa chữa khuyết điểm, là cách tốt nhất để Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm quý giá từ chính những sai lầm của mình, giúp cho Đảng hoàn thiện chính mình và trở lên mạnh mẽ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự phê bình và phê bình. Người cho rằng mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ. Theo Người, Đảng phải vận động để tự phê bình và phê bình trở thành một thói quen, một nếp sinh hoạt; không nên duy trì theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” trong nội bộ, mà phải vận động quần chúng cùng tham gia phê bình cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.
Tuân thủ những nguyên tắc chủ nghĩa Mác - Lênin và chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là nguyên tắc sinh hoạt quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tự phê bình và phê bình luôn là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu.
Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng
V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục” (3). Trong thực tiễn, khi phát hiện những hạn chế, tồn tại, Đảng ta đều công khai thừa nhận và đề ra biện pháp sửa chữa nghiêm túc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (4). Do đó, Người yêu cầu các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính đảng, tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt công tác thực hiện nghị quyết, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, chân thành để sửa chữa và cùng nhau tiến bộ.
Thực hiện lời di huấn đó, hơn 90 năm qua, bất cứ khi nào, phát hiện ra những hạn chế trong lãnh đạo cách mạng, Đảng đều nghiêm túc kiểm điểm và nhanh chóng có biện pháp khắc phục. Nhờ đó, đã góp phần củng cố, tăng cường khối đoàn kết trong Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đủ khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhận thấy chủ trương “thanh Đảng” của Xứ ủy Trung Kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tập hợp lực lượng, Trung ương Đảng đã nghiêm khắc phê bình; đồng thời, yêu cầu Xứ uỷ Trung Kỳ phải nghiêm mật khảo xét lại từng địa phương, từng bộ phận, từng cá nhân, người nào sai, bộ phận nào sai, Xứ ủy cần trực tiếp lãnh đạo việc tự chỉ trích, nhận lỗi trước quần chúng, trước đảng viên và nhanh chóng khắc phục khuyết điểm. Vì lẽ đó, Đảng đã nhanh chóng giành được niềm tin và huy động sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp trung gian tham gia vào các cao trào cách mạng.
Trong giai đoạn 1953 - 1956, phát hiện những điểm không phù hợp trong lãnh đạo thực hiện cải cách ruộng đất, Trung ương Đảng đã nghiêm túc, thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ nguyên nhân, yêu cầu, biện pháp sửa sai và xử lý nghiêm đối với các trường hợp thực hiện không đúng đường lối lãnh đạo của Đảng. Sự thành thật nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa của Đảng và Chính phủ đã góp phần củng cố mối đoàn kết toàn dân, ổn định nông thôn, hăng hái đẩy mạnh sản xuất phục vụ công cuộc kháng chiến.
Thời kỳ bước vào công cuộc đổi mới, trang nhất báo Nhân dân liên tục trong nhiều năm luôn có chuyên mục “Nói và làm” để công khai những hạn chế của bộ máy chính trị, vạch rõ hướng sửa chữa khắc phục, tạo niềm tin cho nhân dân. Với quyết tâm làm cho tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành “vũ khí sắc bén”, có thể thấy Đảng ta luôn nghiêm túc nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo kinh tế xã hội, những khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, yêu cầu tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng luôn được duy trì nghiêm túc, hiệu quả và đảm bảo chất lượng.
Làm rõ cơ sở lý luận nguyên tắc tự phê bình và phê bình sẽ giúp cho toàn Đảng thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, giữ vững vai trò là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là vũ khí đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, hòng phủ nhận bản chất của Đảng và xuyên tạc các nguyên tắc tổ chức, xây dựng Đảng.
---------------------------
Chú thích:
(1) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 8, tr.366.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.450.
(3) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.141.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.301.
Tác giả: Theo ĐCS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn