Nói ra điều ấy các thế lực thù địch, phản động đã cố tình phớt lờ một thực tế rằng, bóng ma tham nhũng đã phủ khắp toàn cầu, tệ nạn tham nhũng đã hoành hành ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nguy cơ phát sinh tham nhũng không phụ thuộc vào chế độ chính trị. Xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước là có nguy cơ phát sinh tham nhũng. Theo phân tích, đánh giá của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) tình trạng tham nhũng trên thế giới đang ở mức báo động, đặc biệt nghiêm trọng ở những nước giàu tài nguyên thiên nhiên.
Theo báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố đầu năm 2023 thì trên thế giới này không có quốc gia, vùng lãnh thổ nào không có tham nhũng, không có nhà nước nào là hoàn toàn minh bạch, trong sạch. Những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về phòng, chống tham nhũng cũng không hoàn toàn minh bạch, trong sạch. Cũng theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch thế giới thì tình trạng tham nhũng ở từng quốc gia không phụ thuộc vào chế độ chính trị là tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, đa đảng hay một đảng. Trong bảng xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số CPI, Việt Nam đứng thứ 80. Như vậy, xếp dưới Việt Nam trong bảng xếp hạng này còn có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Hầu hết các quốc gia đó theo tư bản chủ nghĩa và chế độ chính trị đa đảng. Vậy các thế lực thù địch, phản động cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là “nguyên nhân” dẫn đến nhiều cán bộ cấp cao tham ô, tham nhũng, tiêu cực… là hoàn toàn không chính xác và nhằm động cơ xấu đối với Việt Nam.
Chúng ta chẳng lạ gì lâu nay các thế lực thù địch, phản động vẫn rêu rao rằng, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng; tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chỉ khi nào ở Việt Nam không còn chế độ độc đảng lãnh đạo, thực hiện chế độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới được triệt tiêu. Đây là những luận điệu sai trái và rất nguy hiểm vì nó dễ làm cho người dân ngộ nhận, giảm sút ý chí, quyết tâm và niềm tin vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Việt Nam đang tiến hành.
Cần phải thấy rằng, đối với mọi nhà nước và chế độ xã hội, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề tất yếu khách quan. Bởi lẽ, tham nhũng là trở ngại rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Có nhiều nguyên nhân gây ra tham nhũng nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tham nhũng đó là do quản lý xã hội yếu kém, đội ngũ quan chức, công chức bị thoái hóa... Vì thế, yếu tố có tính chất quyết định hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là nâng cao năng lực quản lý của nhà nước và chất lượng đội ngũ quan chức, công chức...
Đối với Việt Nam, nhận thức sâu sắc về hậu quả nặng nề do nạn tham nhũng gây ra, từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ trọng tâm và thiết yếu trong việc giữ vững sự ổn định về chính trị và phát triển đất nước. Quốc lệnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành ngày 26-01-1946, đã ghi rõ “Tham ô, lãng phí và quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Kể từ đó cho đến nay, qua các thời kỳ cách mạng, cả trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chưa bao giờ lơ là, xem nhẹ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ là tệ tham nhũng, tiêu cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh phòng, chống “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải tiến hành một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là: Nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không chịu bất cứ sức ép nào”, “bất kể người đó là ai”... Những năm qua, đặc biệt là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã trở thành quyết tâm chính trị và đạt nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thực tế những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam đã chứng minh tham nhũng không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng; không phải chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và càng không phải một đảng cầm quyền không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công. Hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hoàn toàn không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng. Nếu ai đó nói rằng, chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không thể chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hay chỉ có thực hiện chế độ đa đảng thì mới loại bỏ được tham nhũng là hoàn toàn sai lầm./.