Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân. Do đó, khi dư luận xấu xảy ra trên không gian mạng hay ở địa phương, nó sẽ được lan tỏa, chia sẻ nhanh chóng qua các mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook.... Thành phần tham gia phát tán, chia sẻ thông tin là người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Lượng người sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội tăng lên cũng đồng nghĩa với việc "không có gì có thể là bí mật được nữa", bởi ai cũng có thể trở thành "nguồn tin", ai cũng có thể trở thành "nhà báo". Bên cạnh đó, với tính năng "chia sẻ", "bình luận", việc lan truyền thông tin rất tiện lợi, nhanh chóng, mạng xã hội đang trở thành nơi hình thành các luồng dư luận lớn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Một thông tin được đăng tải sẽ có một số lượng rất lớn người quan tâm, bình luận, việc tạo ra và dẫn dắt dư luận trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Vậy làm thế nào để nhận diện được thông tin xấu, độc trên mạng xã hội? Thông tin xấu, độc là những thông tin có nội dung sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật; lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, chưa được kiểm chứng. Các thông tin này gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các thế lực phản động còn sử dụng các thông tin xấu, độc có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đe dọa an ninh quốc gia.
Trước vô vàn thông tin xấu độc, bịa đặt lan truyền trên internet, đặc biệt là trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok và các trang thông tin khác làm cho cán bộ, đảng viên, người dân dần hoài nghi vào những thông tin thật, chính thống được hệ thống chính trị, cơ quan báo chí truyền thông đưa ra. Tình trạng này làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp. Chiêu bài chủ đạo của chúng là đưa ra những nội dung hạ thấp vị thế, uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; thổi phồng một số hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Một bộ phận Nhân dân thiếu hiểu biết bị tác động bởi các thông tin xấu, độc, làm suy giảm niềm tin gây tâm lý bất mãn, chống đối chính quyền. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân chưa đủ kỹ năng, hiểu biết pháp luật khi tham gia sử dụng Internet và mạng xã hội nên tiếp cận thông tin một cách thụ động, và cho rằng không gian mạng là không gian "ảo", các hoạt động. hành vi của bản thân trên mạng xã hội đều ẩn danh, nên không thể phát hiện, kiểm soát hoặc xử lý. Do đó, họ tiếp tay đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch, tin giả xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân, thiếu trách nhiệm khi tham gia hoạt động trên mạng.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang dốc sức đầu tư tài chính cho quảng cáo, tài trợ các chương trình nhằm tác động, dẫn dắt giới truyền thông hoạt động theo ý đồ của chúng. Dưới hình thức cung cấp tổng hợp tin tức, thông tin chưa được kiểm chứng để tạo ra sự “khách quan”, chúng dần cài cắm các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật và luận điệu sai trái. Mặt khác, chúng còn lợi dụng các trang mạng xã hội như facebook, instagram, telegram, tiktok…, và các trang web, blog, youtube,… để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta, gây nhiễu loạn tư tưởng, mất phương hướng của người tiếp nhận. Hiện nay, có khoảng trên 3.000 trang web, blog; gần 500 trang Facebook Fanpage; trên 100 trang Youtube và gần 10.000 tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải hàng trăm nghìn tin, bài có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của các tổ chức, cá nhân.
Các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị đang tăng cường tán phát các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên không gian mạng nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời, đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong tình hình đó, cần có các giải pháp để tăng cường xây dựng sức mạnh tuyên truyền trong nhân dân về nhận diện các thông tin xấu, độc trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Tuyên tuyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền” , mà chủ thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ nhân dân tự quản. Do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ nhân dân tự quản về tuyên truyền trong nhân dân về nhận diện các thông tin xấu, độc trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được” và “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo.
Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ”.
Còn nhận định về đoàn viên thanh niên thì Người khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà” . Bên cạnh đó, còn có Tổ nhân dân tự quản. Tổ nhân dân tự quản được hiểu là tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự là nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào khác tại địa phương, có chức năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh, trật tự; góp phần phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội ở địa phương. Do đó, phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tổ nhân dân tự quản trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là việc làm hết sức cần thiết nhất hiện nay. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch là vấn đề có tính cấp thiết, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị mà nòng cốt là mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ nhân dân tự quản. Đây là ngọn súng vững chắc nhất trong đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Chính vì vậy, để các thế lực thù địch không có cơ hội chống phá Đảng và Nhà nước thì đòi hỏi phải xây dựng một tập thể ở mỗi địa phương thật sự trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ phải gương mẫu trong mọi hành động. Tại Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”. Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải thực sự là những chiến sĩ xung phong, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Do đó, cần thường xuyên trau dồi, học tập, nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập, dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khoá (XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; tự giác tu dưỡng rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải luôn thực hiện tốt việc nêu gương trong mọi hoạt động, tăng cường tuyên truyền những giá trị nhân văn, những thành quả đã đạt được trong thực tiễn đời sống xã hội để các thế lực thù địch không thể tìm được “kẽ hở”, cơ hội chống phá Đảng, Nhà nước. Mấu chốt quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu thực hiện, đồng thời tuyên truyền, lan tỏa đến người dân để nâng cao nhận thức trong mỗi người dân, biết phân biệt phải, trái, đúng, sai, khẳng định lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, mỗi người dân sẽ tự giác góp phần trách nhiệm của mình vào sự nghiệp đấu tranh chung, bảo vệ lẽ phải, chống lại những tư tưởng lệch lạc, những thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tổ nhân dân tự quản phải thấm nhuần câu nói:
“Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trăm lần dân liệu cũng xong” .