Đảng bộ huyện Trùng Khánh 85 năm xây dựng và phát triển

Thứ tư - 28/08/2024 04:12
Đảng bộ huyện Trùng Khánh 85 năm xây dựng và phát triển
Đảng bộ huyện Trùng Khánh 85 năm xây dựng và phát triển

1. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1939 - 1945)

Sau vài ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Trùng Khánh, đồng chí Nguyễn Thanh Cao đã bị địch bắt, chi bộ gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Để bảo toàn tổ chức, chi bộ tạm ngừng hoạt động và chờ chủ trương mới của cấp trên, mặc dù vậy, các đồng chí Đảng viên đầu tiên của chi bộ, với tinh thần chủ động cách mạng, cùng với những quần chúng tích cực, đã luôn bám sát cơ sở, vận động quần chúng đấu tranh bí mật với kẻ thù và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

Cuối năm 1940, đầu năm 1941, trước những diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, do tác động bởi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  đã quyết định trở về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự được đón Người trở về sau 30 năm đi tìm đường cứu nước. Tại Pác Bó - Hà Quảng, Bác đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám. Xác định nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân; quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia các hội cứu quốc.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Tám, phong trào Việt Minh từng bước hình thành và phát triển ở Trùng Khánh, nhờ công tác tuyên truyền tích cực, sự kiên trì, dũng cảm của các đồng chí Đảng viên và quần chúng ưu tú. Sau một thời gian hoạt động, trên địa bàn huyện đã xây dựng được một số cơ sở quần chúng yêu nước trên nền tảng những cơ sở cách mạng đã có từ những năm trước.

Để củng cố tổ chức, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã cử đồng chí Hồng Hải vào Trùng Khánh triệu tập cuộc họp bí mật tại Vườn Mọn, Thang Lý để thành lập lại Chi bộ Đảng ở Trùng Khánh. Cuộc họp đã kết nạp thêm nhiều quần chúng ưu tú vào Đảng; đồng chí Chí Viễn được bầu làm Bí thư chi bộ.

Chi bộ Đảng Trùng Khánh được củng cố đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương phát triển nhanh chóng và chuyển sang một thời kỳ mới, tiếp thu nghị quyết Trung ương 8: Phát triển các tổ chức cứu quốc thành Mặt trận Việt Minh, góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Tháng 02 năm 1942, tại nhà đồng chí Hoàng Lạc, xóm Thang Lý, xã Đình Minh, tổ chức thanh niên cứu quốc được thành lập, làm nòng cốt phát triển Việt Minh tại Trùng Khánh. Tháng 03/1943, cuộc họp tại sân bóng Kéo Tác,  Ban vận động Việt Minh được thành lập với nhiệm vụ chỉ đạo việc phát triển tổ chức Việt Minh, qua đó phong trào Việt Minh đã phát triển nhanh chóng và rộng khắp trong toàn huyện. Trước sự lớn mạnh của mặt trận Việt Minh tại Trùng Khánh, Thực dân Pháp và tay sai tăng cường củng cố bộ máy cai trị, tăng cường lực lượng quân sự đàn áp phong trào cách mạng. Không chùn bước trước sự đàn áp của kẻ thù, Chi bộ đảng và các đồng chí đảng viên vẫn giữ vững tinh thần kiên cường bám sát cơ sở, củng cố phong trào Việt Minh.

Ngày 09/3/1945, Nhật Đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương.  Tại Cao Bằng cũng như huyện Trùng Khánh, quân Pháp nhốn nháo tìm đường tháo chạy. Tình thế cách mạng nhanh chóng xuất hiện. Ở Trùng Khánh, lực lượng vũ trang, quần chúng cách mạng phối hợp với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Tỉnh ủy cử vào tiến hành tước vũ khí lính Pháp, diệt trừ bọn phản động tay sai, tiếp tục củng cố Ban Việt Minh ở các xã. Ngày 19/3/1945, Ban Việt Minh Châu Trùng Khánh họp để bàn kế hoạch giành chính quyền; Ngày 23/3/1945, Đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của Trùng Khánh được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới, làm tiền đề cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng giành chính quyền tại Trùng Khánh.

Tháng 8 năm 1945, tiếp nhận chỉ thị của Trung ương và tỉnh Cao Bằng, Chi bộ Đảng Trùng Khánh đã nhanh chóng triển khai tổ chức lực lượng, cùng với cả nước chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 18/8/1945, trước sức mạnh của lực lượng vũ trang và nhân dân, phát xít Nhật đã phải rút chạy khỏi Trùng Khánh; ngày 19/8/1945, nhân dân và các đoàn thể quần chúng, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh và lực lượng vũ trang địa phương đã tổ chức giành lại chính quyền, cắm cờ và tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, tại cuộc mít tinh ở Phủ lỵ Trùng Khánh, Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 ở Trùng Khánh là thắng lợi của quá trình chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, gắn bó, phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện nhà; Từ đây, vận mệnh dân tộc đã thay đổi, từ nước thuộc địa nửa phong kiến, thành nước có nền độc lập, tự chủ; người dân, từ thân phận nô lệ, đã trở thành người làm chủ quê hương.

2. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975)

Chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời đã đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó là sự kiệt quệ về kinh tế, là sự chống phá quyết liệt của bọn phản động thù trong, giặc ngoài. Song, với tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân huyện Trùng Khánh tích cực ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh đã thực hiện các biện pháp cấp bách để giải quyết nạn đói. Theo đó, các phong trào tăng gia sản xuất, hũ gạo cứu đói được hình thành và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Chỉ sau vài tháng phát động phong trào diệt giặc đói, cuộc sống của nhân dân đã dần ổn định, nạn đói bị đẩy lùi. Không những thế, cán bộ và nhân dân các dân tộc, với lòng yêu nước nồng nàn, tích cực ủng hộ phong trào “Tuần lễ vàng” đóng góp nhiều tiền bạc vào công quỹ nhà nước.

Trên mặt trận diệt giặc dốt: Phong trào “Bình dân học vụ” phát triển nhanh chóng. Với phương châm “Người biết chữ dạy người chưa biết” phong trào đã thu hút đông đảo các tầng lớp, các lứa tuổi tham gia. Sau 1 năm, tỷ lệ mù chữ giảm nhanh chóng, ý thức giác ngộ chính trị và trình độ văn hóa của nhân dân được nâng lên.

Với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa. Đáp lại lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đồng bào Trùng Khánh đã dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi, đồng sức, đồng lòng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, huyện Trùng Khánh đã bổ sung cho Bộ đội chủ lực 6 đại đội, huy động trên 10.000 lượt người đi dân công, với gần 2 vạn ngày công; Huy động 3.349 dân công đi các công trường, 6.688 dân công đi làm Tà vẹt. Bên cạnh đó còn đóng góp hàng vạn cân lương thực, hàng nghìn con gia cầm và nhiều tiền bạc ủng hộ bộ đội. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, tỉnh Cao Bằng có 7 người con ưu tú được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó huyện Trùng Khánh vinh dự có 4 anh hùng, đó là: Anh hùng Phùng Văn Khầu, Anh hùng La Văn Cầu, Anh hùng Triệu Văn Báo và Anh hùng Liệt sỹ Hoàng Văn Nô. Cùng với biết bao tấm gương của chiến sỹ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Trùng Khánh tự hào đã đóng góp một phần không nhỏ về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi.

3. Trùng Khánh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng cả nước đổi mới, hội nhập từ năm 1975 đến nay

Hòa bình lập lại, Đảng bộ huyện Trùng Khánh đã tập trung lãnh đạo nhân dân các dân tộc huyện nhà khắc phục hậu quả chiến tranh, sớm ổn định cuộc sống, nhân dân Trùng Khánh cùng với nhân dân tỉnh Cao Bằng và nhân dân Miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Đảng bộ huyện Trùng Khánh bước vào xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với mục tiêu lấy cải tạo, phát triển nông nghiệp làm trung tâm, tăng cường củng cố hợp tác xã nông nghiệp, giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân. Đảng bộ nhận thức rõ Hợp tác xã là đơn vị trực tiếp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, bởi vậy đã lãnh đạo xây dựng hợp tác xã. Đến hết năm 1961 toàn huyện có 225 hợp tác xã nông nghiệp, với số hộ nông dân tham gia đạt 93%. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện quan tâm chỉ đạo công tác văn hóa, giáo dục, y tế, công tác an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho Đảng bộ lãnh đạo nhân dân bước vào giai đoạn cách mạng mới.

Từ năm 1965 đến năm 1975, bước vào thời kỳ vừa sản xuất vừa chiến đấu, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Thóc không thiếu một cân - quân không thiếu một người”, Đảng bộ và nhân dân huyện Trùng Khánh đã động viên con em hăng hái lên đường “Sẻ dọc trường sơn đi cứu nước”, đóng góp cho tiền tuyến hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; đồng thời kiên cường chống trả chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh đã không ngại gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; những người con ưu tú của quê hương như: Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Thượng, Anh hùng Nông Văn Việt, Anh hùng liệt sĩ Hoàng Đình Hợp, Chiến sĩ thi đua toàn quốc Triệu Thị Soi, Nông Văn Tốc…. cùng rất nhiều chiến sỹ của quê hương Trùng Khánh đã anh dũng chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trong số đó, nhiều  người con của quê hương đã bỏ một phần xương máu lại chiến trường để góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và cả cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, Đảng bộ và nhân dân Trùng Khánh phát huy truyền thống cách mạng, động viên hàng nghìn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc. Toàn huyện có hơn 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, 55 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 500 thương binh, bệnh binh; có 3 đơn vị, 07 cá nhân được Đảng và Nhà n­ước phong tặng danh hiệu " anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm 1986, Đảng ta tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ VI. Đây là Đại hội đánh dấu sự đổi mới toàn diện của đất nước. Cũng trong năm này, Đảng bộ huyện Trùng Khánh tiến hành Đại hội lần thứ XII. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tiễn, Đại hội đã xác định 5 mục tiêu cụ thể để phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 1986-1990. Toàn Đảng bộ huyện quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XII, tạo tiền đề cơ bản  và vững chắc cho việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa ở những năm tiếp theo.

Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng bộ huyện Trùng Khánh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, làm tốt vai trò là “Phên dậu” của Tổ quốc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Phát huy truyền thống cách mạng 85 năm xây dựng và phát triển, từ chi bộ đầu tiên với 04 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có trên 6.800 đảng viên, sinh hoạt ở 51 chi, đảng bộ cơ sở. Trải qua 20 kỳ đại hội, với mỗi chặng đường cách mạng, Đảng bộ đều đề ra được những nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tế của huyện. Những thành tựu đạt được trong 85 năm qua đều in đậm dấu ấn lãnh đạo của Đảng bộ huyện. Các thế hệ cán bộ lãnh đạo đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương

 

Tác giả: Huyện Đoàn Trùng Khánh

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay3,499
  • Tháng hiện tại147,392
  • Tổng lượt truy cập7,966,253
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây