Lương hưu và một số điểm mới về lương hưu trong luật BHXH sửa đổi

Thứ ba - 27/10/2015 02:49
Đảng và Nhà nước luôn xác định BHXH là chính sách quan trọng, là một trong những trụ cột chính quan trọng của hệ thống An sinh xã hội. Tuy nhiên để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm nhiều người có lương hưu trong tương lai, cần thiết phải xem xét đến “chất lượng”, sự “hấp dẫn” của lương hưu.
Có thể thấy, người nghỉ hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/01/1995 đến nay có đặc điểm chung là mức lương hưu thấp, không theo sát với thu nhập thực tế của họ trước khi nghỉ hưu. Nguyên nhân chính là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp. Theo kết quả điều tra năm 2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của người lao động, con số này mới chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế. Đối với khu vực nhà nước, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khu vực này có mức lương làm cơ sở tính thu BHXH thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế. Lương thấp nhưng phụ cấp theo lương lại nhiều, ngành nào cũng có lương tăng thêm hoặc trợ cấp đặc thù nghề nghiệp. Đối với khu vực ngoài nhà nước, theo các chuyên gia, lương tối thiểu vùng chỉ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu tối thiểu của người lao động, trong khi đó, các doanh nghiệp lấy mức tối thiểu vùng chỉ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu tối thiểu của người lao động, trong khi đó, các doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ tính đóng BHXH cho người lao động.

Một nguyên nhân khác làm cho mức hưởng lương hưu thấp là do người nghỉ hưởng chế độ hưu trí trước tuổi khá sớm dẫn đến thời gian tham gia đóng BHXH ngắn, quá trình tích lũy ít. Theo số liệu thống kê của Tổng cục dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73, tăng 33 tuổi so với năm 1961. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu được quy định từ năm 1961 đến nay vẫn không thay đổi, nhất là quy định đối tượng nghỉ hưu trước tuổi còn quá trẻ, nam đủ 50 và nữ đủ 45 trở lên. Ngoài ra, đối với đối tượng tham gia có tiền lương làm căn cứ chính thu BHXH không theo chế độ tiền lương nhà nước quy định thì mức lương hưu kể từ ngày 01/01/2007 về trước chưa được bù trượt giá tại thời điểm tính lương hưu cho số tiền đóng trong thời kỳ tích lũy, cũng như chưa được bù trượt giá cho cả giai đoạn hưởng chế độ hưu trí cũng là nguyên nhân làm cho mức lương hưu thấp.

Một điểm nữa là chưa có sự công bằng trong các nhóm đối tượng đang hưởng lương hưu hiện nay. Trước hết, phải đề cập đến người tham gia BHXH ở khu vực nhà nước và ngoài khu vự nhà nước. Người tham gia ở khu vực nhà nước có tiền lương làm căn cứ tính lương hưu là bình quân tiền lương bằng hệ số của 60 tháng cuối trước khi nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Hệ số lương đóng BHXH là “thang” lương có nhiều bậc, bậc sau cao hơn bậc trước; hơn nữa, lương hưu được xác định bằng hệ số lương bình quân của 60 tháng nhân với mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) tại thời điểm nghỉ hưu. Điều dễ thấy là đối tượng ở khu vực này đang hưởng lương hưu ở mức cao nhưng quá trình đóng BHXH thì lại ở mức thấp. Ngược lại, đối tượng tham gia ở khu vự ngoài nhà nước có tiền lương làm căn cứ tính thu BHXH là mức lương bằng đồng Việt Nam do hai bên thỏa thuận và để tính lương hưu thì phải bình quân cả quá trình đóng BHXH. Thiếu sự công bằng cũng xảy ra ở giữa các đối tượng hưởng lương hưu ngay trong khu vực nhà nước. Trong khu vực nhà nước có thời gian lao động, cống hiến như nhau nhưng do cách tính lương hưu phụ thuộc hoàn toàn vào hệ số lương khởi điểm cũng như độ “dài” và “rộng” của thang, bảng lương nên mức lương hưu cũng chênh lệch nhau khá lớn. Người trong lực lượng vũ trang thì đóng và hưởng theo lương cấp quân hàm; quản lý doanh nghiệp thì đóng và hưởng theo lương hạng doanh nghiệp; cán bộ, công chức theo chế độ dân cử, Đảng cử thì đóng và hưởng theo lương vị trí công tác; cán bộ cấp xã, phường, thị trấn thì đóng và hưởng theo mức sinh hoạt phí…

Việc điều chỉnh lương hưu theo thời điểm hưởng cũng làm chênh lệch mức lương hưu giữa các đối tượng có cùng thời gian đóng và mức lương tham gia BHXH. Ví dụ, theo Nghị định 09/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, kể từ ngày 01/01/2015, mức lương hưu và trợ cấp BHXH tăng thêm 8% đối với các đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH; nhưng những người nghỉ hưu bắt đầu từ ngày 01/01/2015 trở đi thì không được điều chỉnh tăng.

Tóm lại, mục đích chính của chính sách BHXH là giúp cho người lao động khi hết tuổi lao động có một khoản thu nhập đủ sống, song nhìn chung lương hưu hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghỉ hưu.

Luật BHXH năm 2006 và đặc biệt luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 cơ bản đã khắc phục được những bất cập nêu trên, đó là:

          Về tiền lương đóng BHXH: Kể từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động (Khoản 2 điều 89 luật BHXH năm 2014). Như vậy, có thể hiểu ở khu vực nhà nước, người lao động sẽ được đóng BHXH thường chỉ bám sát mức lương tối thiểu vùng như hiện nay. Đây là cơ sở quyết định để mức lương hưu “theo sát” với thu nhập thực tế của người tham gia BHXH trước khi nghỉ hưu.

          Về độ tuổi hưởng lương hưu: Đã có lộ trình tăng dần tuổi hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; từ nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi lên 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ. Cụ thể, kể từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (Điểm a Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2014). Đây là điều kiện để người tham gia có thời gian tích lũy nhiều dẫn đến mức hưởng cao.

          Về xác định mức lương bình quân để tính lương hưu: Đã có lộ trình tiến tới việc tính bình quân tiền lương, tiền công cả quá trình đóng BHXH đối với lao động trong khu vực nhà nước giống như khu vực ngoài nhà nước, bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng tham gia. Cụ thể, đối với người bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 31/5/2015, vẫn tính bình quân 05 năm, 06 năm, 08 năm hoặc 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu như quy định tại Luật BHXH năm 2006; đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019, tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; đối với người bắt đầu tham gia đóng BHXH từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024, tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; đối với người bắt đầu tham gia đóng BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi, tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian (Khoản 1 Điều 62 Luật BHXH năm 2014).

          Về điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH: Đối với người bắt đầu tham gia đóng BHXH từ ngày 01/01/2016, tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước (Điều 63 Luật BHXH năm 2014).

          Về điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng: Điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH cho cả người nghỉ hưu trong khu vực nhà nước cũng như khu vực ngoài nhà nước (Điều 57 Luật BHXH năm 2014).

Như vậy, tùy thuộc vào quy mô Quỹ BHXH cũng như ngân sách nhà nước từng thời kỳ, song những quy định về tiền lương hưu trong luật BHXH năm 2014 cho thấy cơ bản đã đạt đến các yêu cầu về lương hưu như tại thời điểm nghỉ hưu, người nghỉ hưu có mức lương hưu “sát” với thu nhập khi còn làm việc; mức lương hưu được bù trượt giá cả tại thời điểm tính lương hưu cho số tiền đóng trong thời kỳ tích lũy và cả thời gian hưởng chế độ hưu trí; trong thời gian hưởng chế độ hưu trí, người hưởng lương hưu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế mang lại; người nghỉ hưu được hưởng lợi từ kết quả đầu tư quỹ do có khoản tiền tích lũy trước thời điểm nghỉ hưu và cuối cùng là đảm bảo được sự công bằng giữa các đối tượng tham gia và thụ hưởng.

Nguồn tin: BTG tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay5,808
  • Tháng hiện tại166,876
  • Tổng lượt truy cập7,773,738
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây