14 giờ một ngày đầu tháng 9, trong tiết trời Thu mát mẻ, cô giáo đặc biệt Lê Thị Thắm (25 tuổi) tất bật sửa soạn quần áo, dụng cụ dạy học thật chu đáo cho 2 tiết dạy chiều. Đây là buổi dạy thứ ba của cô Thắm tại Trường TH & THCS Đông Thịnh (Đông Sơn, Thanh Hóa).
Với Thắm, đây chính là bước ngoặt đầy vinh quang và lớn lao sau hành trình không ngừng nỗ lực cố gắng, chiến thắng bệnh tật và sự khiếm khuyết trên cơ thể.
Dưới nắng chiều mỏng manh, vàng óng như sợi tơ, cô giáo Thắm trông thật tươi tắn, rạng ngời trong màu áo trắng tinh khôi. Thắm được mẹ ân cần cài quai mũ bảo hiểm, chậm rãi lên xe tới trường. Nhiều năm trước, cô cũng được mẹ ân cần như vậy, nhưng là để đến trường tìm “con chữ”. Hôm nay, Thắm cũng đến trường, nhưng là để gieo trồng những “hạt giống đỏ” cho quê hương.
Vừa tới cửa lớp, Thắm đã nhìn thấy học trò trong trang phục chỉnh tề, ngồi ngay ngắn khiến cô có phần hồi hộp và lo lắng. Trong giây lát, Thắm chợt nhớ về những ngày đi tìm “con chữ” vô cùng gian nan của mình năm xưa.
Vì không có tay nên cô phải kẹp bút vào chân trái lụi hụi tập viết. Thời gian đầu, do ngón chân còn cứng nên hễ kẹp vào bút liền rơi ra. Không bỏ cuộc, Thắm vẫn kiên trì đến nỗi các ngón chân nhiều lần phồng rộp, tứa máu. Đợi khi vùng da chân lành lại, cô lại tiếp tục tập viết. Cứ như vậy, đến khi tròn 5 tuổi, Thắm đã đọc thông, viết thạo trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Cũng nhờ ý chí và nghị lực phi thường, Thắm tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức. Trở về quê hương, Thắm dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn gần nhà. Thắm từng ao ước được đứng trên bục giảng, và nay ước mơ ấy... đã thành hiện thực.
Trở về giảng dạy ở mái trường thân yêu từng gắn bó với tuổi thơ, Thắm không khỏi xúc động, nhất là khi cô nhận được tràng pháo tay chào đón của các bạn học sinh. Như tiếp thêm động lực, Thắm nở nụ cười tự tin bước lên bục giảng, sẵn sàng cho buổi dạy tràn đầy hứng khởi.
Sau khi học trò ổn định chỗ ngồi, Thắm bình tĩnh mở máy tính, chọn chủ đề bài học là Listen and point (nghe và chỉ điểm). Ngoài chủ động gọi học sinh trả lời, Thắm thường xuyên di chuyển xuống phía dưới lớp học, quan sát các em học bài. Chỗ nào học trò chưa hiểu, cô Thắm nhẹ nhàng chỉ bảo.
Cứ như vậy, lớp học của cô giáo đặc biệt vô cùng sôi nổi, nhưng cũng ấm áp tình người.
Hiện tại, Thắm được Ban Giám hiệu nhà trường phân công giảng dạy lớp 2, 3, với thời lượng 10 tiết mỗi tuần. Những ngày đầu đứng lớp, Thắm gặp không ít khó khăn, một phần vì môi trường mới. Bên cạnh đó, cô cũng lo lắng liệu học sinh có hiểu được cách truyền thụ kiến thức của mình hay không?,...
“Thật vui vì các em không chỉ chăm ngoan mà còn đón nhận bài giảng của tôi một cách hứng khởi. Mỗi ngày, tôi đều dậy sớm chuẩn bị giáo án cũng như các hoạt động phù hợp với chủ đề bài giảng. Cứ nghĩ đến khoảnh khắc được truyền đạt kiến thức tới học trò, tôi lại thấy hào hứng và hạnh phúc”, cô Thắm bộc bạch.
Em Doãn Nhật Thủy (lớp 3C, Trường TH & THCS Đông Thịnh) bày tỏ: “Hôm nay là buổi thứ 3, con được học với cô giáo Thắm. Con thấy giờ học tiếng Anh của cô rất sôi nổi và thú vị. Cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn rất ân cần với học trò”.
Kết thúc một ngày miệt mài trên bục giảng, Thắm chậm rãi rời phòng học. Trong làn gió mát cuối buổi chiều Thu, Thắm tự hứa với lòng sẽ nỗ lực hơn nữa để mang đến những bài giảng chất lượng cho học trò, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban Giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh.
“Trong quá trình giảng dạy, tôi được Ban Giám hiệu và đồng nghiệp tin tưởng, hỗ trợ rất nhiều. Vì vậy, tôi sẽ nỗ lực trau dồi thêm chuyên môn, nghiệp vụ để xứng đáng với vai trò và trọng trách của người giáo viên nhân dân”, cô Thắm trải lòng.
Thầy Lê Bá Lực - Hiệu trưởng Trường TH & THCS Đông Thịnh cho biết: Sau 3 buổi đứng lớp, Ban Giám hiệu nhà trường cảm nhận rõ tình yêu, sự nhiệt huyết với nghề và hết mình vì học trò của cô giáo Thắm.
Từ khi cô Thắm chính thức thuộc biên chế của trường, Ban Giám hiệu và các thầy cô đặc biệt quan tâm. Ngoài bố trí phòng học với đầy đủ trang thiết bị, nhà trường cũng đóng một bộ bàn ghế phù hợp để cô yên tâm giảng dạy.
“Trường hợp của cô Thắm khá đặc biệt nên nhà trường cũng có cơ chế đặc biệt, đó là để cô tự nhận số lượng tiết theo khả năng của mình. Đồng thời, phân công giáo viên có kinh nghiệm hỗ trợ cô Thắm. Với các hoạt động khác, nhà trường không bắt buộc hay phân công, mà tùy theo tình hình sức khỏe của cô giáo”, thầy Lực nói.
Ngoài hỗ trợ cô Thắm về chuyên môn, Ban Giám hiệu Trường TH & THCS Đông Thịnh còn tạo điều kiện cho mẹ của cô Thắm làm việc tại bếp ăn bán trú của trường. Đồng thời, nhà trường cũng dự kiến thành lập câu lạc bộ dành cho những người vượt khó, và sẽ đề xuất cô Thắm làm chủ nhiệm.
Nguồn tin: BTG tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn