Ngày 19/7, một ngày sau khi biết được điểm thi, Phạm Mạnh Hùng (SN 2005), học sinh lớp 12/5, Trường THPT Thái Phiên vẫn còn ngỡ ngàng với số điểm mà mình đạt được. Nam sinh và gia đình vẫn không giấu được cảm xúc vui mừng khi biết được điểm thi cao hơn mong đợi. Cụ thể, Văn: 9,0; Sử: 9,5; Địa: 9.7 và tổng điểm là 28,25. Hùng nằm trong nằm trong danh các thủ khoa của thành phố.
“Mặc dù tin tưởng vào bản thân nhưng vẫn lo lắng và hồi hộp. Khoảnh khắc nhìn vào màn hình máy tính, em thực sự không thể tin là em đạt được điểm cao như vậy. Người đầu tiên em thông báo là mẹ và ba”, Mạnh Hùng chia sẻ.
Là một trong những học sinh có thế mạnh về các môn xã hội, Hùng cho biết bản thân đã xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ lúc bước vào cấp 3. Đó là tập trung vào những môn thi Đại học còn những môn khác cũng phải cố gắng nắm kiến thức cơ bản.
Hùng kể, từ lúc còn học cấp THCS thì Hùng thích học môn khối Khoa học tự nhiên nhưng khi lên cấp THPT thì Hùng đã có niềm đam mê đặc biệt với môn Lịch sử và tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Điển hình là Hùng đã đạt giải Nhất môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Thủ khoa Phạm Mạnh Hùng cho hay, đối với tất cả các môn học trên trường, mỗi ngày em thường dành 1-2 tiếng đồng hồ để hoàn thành tất cả bài tập các môn. Riêng các môn chuyên như: Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý thì dành nhiều thời gian hơn.
Về môn Ngữ văn, Mạnh Hùng cho rằng, không nên viết quá hoa mỹ hay bay bổng. Điều cốt lõi là phải rành mạch, rõ ràng, nắm chắc ý. Muốn nắm chắc ý điều đầu tiên là phải học bài. “Những nội dung được học tại lớp nó rất quan trọng đối với chúng ta. Bởi vì chỉ khi nắm luận điểm, luận cứ rõ ràng thì khi làm phần nghị luận văn học chúng ta mới viết mới rõ ý để đạt được điểm cao. Còn phần đọc hiểu chỉ cần chăm chú nghe giảng, nắm chắc kiến thức như: về thể loại, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ…”, Mạnh Hùng bật mí.
Riêng phần nghị luận xã hội, Mạnh Hùng cũng đưa ra lời khuyên nên đọc sách, báo thật nhiều. Từ đó mới tìm được dẫn chứng để đưa vào bài nghị luận xã hội từ đó có sức thuyết phục hơn ở phần này.
Đối với môn Lịch sử, thủ khoa Phạm Mạnh Hùng cho hay, môn này hơi khó hơn vì có nhiều mốc thời gian, sự kiện.
“Để dễ ghi nhớ sự kiện Lịch sử thì phải cần sắp xếp bố trí một cách khoa học, mà cụ thể là cắt nhỏ từng giai đoạn lịch sử. Ví dụ: Chia nhỏ mốc Lịch sử Việt Nam từ 1919-1925; 1925-1930; 1936-1939; 1939-1945 và từ 1945-1954… trong tất cả giai đoạn đều tuần tự, rõ ràng nên chúng ta nhớ những điều mấu chốt ở những giai đoạn.
Hoặc có thể tìm những đọc sách, báo liên quan đến sự kiện lịch sử để nhớ rõ. Cạnh đó, trên Youtube hiện nay có nhiều phim tài liệu khá sinh động, ở đó tóm tắt về các sự kiện lịch sử của đất nước nên có thể xem và nhớ lâu hơn”, Hùng chia sẻ tiếp.
Cùng với đó, phải học cách tư duy trong Lịch sử, điều này các giáo viên trên trường thường giảng ở các bài học. Cụ thể, từ bối cảnh lịch sử như vậy có thể suy ra được nhiều thứ, đánh giá được ý nghĩa… đây là lúc cần chú ý, ghi chú lại để nhớ.
Riêng với môn Địa lý thì có phần nhẹ hơn vì học sinh có thể sử dụng Atlat địa lý và trong đề thi thường có khoảng 15 câu liên quan đến Atlat. Thủ khoa Phạm Mạnh Hùng nói tiếp: “Để làm được các câu trong Atlat điều đầu tiên phải chú ý đến câu dẫn trong đề thi để tránh nhầm lẫn đọc nhầm trang. Cạnh đó, trong Atlat có nhiều thông số, ví dụ như phần khí hậu có nhiều thông số như: lượng mưa, nhiệt độ trung bình… chúng ta phải chú ý dữ kiện câu hỏi là gì. Chỉ khi xác định đúng dữ kiện mới đọc đúng Atlat thì mới có điểm…”.
“Ngoài ra có thể thời gian rảnh, chúng ta hay lướt mạng xã hội Facebook trong đó có nhiều hội nhóm chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm học tập các môn nên có thể tham gia vào đó để học hỏi và bồi dưỡng thêm kiến thức mới. Cạnh đó, trong quá trình học trên trường chú ý nghe lời thầy cô giảng thì sẽ nắm được những điều mấu chốt của môn đó”, Hùng chia sẻ thêm.
Ông Phạm Văn Động (SN 1975), ba của Mạnh Hùng vui mừng cho biết, bản thân ông rất tự hào khi có con đạt điểm cao. Thực sự gia đình vẫn chưa tin được Hùng là thủ khoa của thành phố. Hôm qua nghe tin cháu đạt điểm cao cả nhà ai cũng mừng.
"Trong thời gian học, gia đình chỉ góp ý và động viên chứ không tạo nhiều áp lực, để cháu thoải mái lựa chọn. Trước kỳ thi, tôi và vợ luôn nhắn nhủ rằng, con cứ bình tĩnh tự tin làm bài, đạt được điểm cao thì tốt, kết quả thế nào ba mẹ vẫn yêu thương lo cho con đầy đủ. Nên kết quả đạt được như ngày hôm nay là sự đền đáp xứng đáng cho cả quá trình học tập của cháu.
Gia đình cũng hướng cho cháu đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Sĩ quan chính trị - Bộ Quốc phòng hoặc vào ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Nhưng quyết định cuối cùng là ở cháu Hùng”, ông Động chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Hà (SN 1982) mẹ của Phạm Mạnh Hùng chia sẻ, chị và chồng từ tỉnh Hà Nam vào Đà Nẵng năm 2004 để lập nghiệp mưu sinh. Nơi đây, chồng chị làm lái xe cho một công ty còn chị thì buôn bán rau củ tại nhà.
“Hôm qua lúc tôi đang bán hàng, có khách tới mua rau rồi báo tin rằng con tôi đạt điểm cao và đỗ thủ khoa ở Đà Nẵng, lúc đó tôi mới biết. Thật sự mà nói, 2 vợ chồng quanh năm làm lụng vất vả để nuôi con, chỉ có động viên và khuyên con cố gắng học tập, còn ba mẹ khó khăn mấy cũng chịu được, miễn sao mong các con học thành tài là tôi vui rồi”, chị Hà tâm sự.
Chia sẻ về ước mơ của mình, nam sinh Phạm Mạnh Hùng chia sẻ rằng, em đăng ký vào Trường Sĩ quan chính trị - Bộ Quốc phòng, để trở thành một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. “Em muốn trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Bởi vì em yêu thích môn Lịch sử và trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam quân đội luôn gắn bó vào sự phát triển của đất nước, dân tộc. Vào môi trường quân đội giúp em rèn luyện bản thân, bổ sung nhiều kiến thức mới”, Phạm Mạnh Hùng bộc bạch.
Nguồn tin: BTG tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn