DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CHÙA SÙNG PHÚC

Chủ nhật - 19/02/2023 20:33
I. Vị trí: Theo Sách Đại Nam Nhất Thống chí và Sách Việt Nam dư địa chí, Chùa Sùng Phúc có tên chữ là Sùng Phúc tự, thuộc Tổng Lệnh Cấm (nay là thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng).
Chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang
Chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang
II. Lịch sử hình thành
Chùa được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293). Thời Trần, Đạo Phật hưng thịnh coi như Quốc Giáo, vua Trần cho xây dựng chùa ở nơi biên ải xa xôi để thờ Phật và thờ một số nhân vật có công trấn ải vùng biên giới; đồng thời, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong một đất nước Đại Việt thống nhất thịnh trị, thái bình sau khi đại thắng quân Nguyên. 

Lúc đầu Chùa có tên là Chùa Sùng Khánh, xây dựng trên núi Pò Kiền, phía sau làng Nà Ến, xung quanh có rừng cây cổ thụ, bốn mùa xanh tươi lộng gió.

Tương truyền, trong chùa có quả chuông lớn, năm Vĩnh Tộ, thời vua Lê Thánh Tông (1619) chuông này rơi xuống đầm nước dưới chùa nên nơi ấy được gọi là Đầm Chuông. Sau này, để tiện đi lại cúng lễ, nhân dân đã chuyển chùa xuống cánh đồng Bản Huyền Ru (nay là thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng).

Theo văn bia từ thời Cảnh Hưng những năm 40, Chùa Sùng Khánh được xây dựng bằng gỗ, hiện nay vẫn còn nền và đá tảng tại đó. Vào đầu thế kỷ XV, chùa bị hỏa hoạn cháy toàn bộ, sau đó được lập bằng cỏ danh; trong khoảng thời gian sau, chùa dời xuống vị trí hiện nay và từ đó đổi tên gọi là Chùa Sùng Phúc.

Đến năm Tân Sửu 1901, nhân dân địa phương đóng góp và hoàn thành việc tôn tạo chùa vào năm Quý Mão 1903. Đến đầu thế kỷ XIX, Triều Nguyễn cho thợ trang trí thêm các hoa  văn cho chùa, với ý nghĩa suy tôn, sùng bái phúc đức, hướng tới điều thiện. Như vậy, Chùa Sùng Phúc là sự kế tiếp của Chùa Sùng Khánh.

Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Cao Bằng thực lục, chùa có thờ vị Thành Hoàng là ông Nguyễn Thành Vương, tức Nguyễn Đình Bá, quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Khi ông giữ chức Tri Châu Tư Lang, sử sách ghi nhận: Ông có công chiêu dân khẩn hoang lập bản được dân suy tôn là Tiên Công Thành Hoàng làng. Tiếp tục được sự tín nhiệm của quan trên và sự mến phục của nhân dân, ông đã giữ đến chức Đốc Đồng ở Cao Bằng. Đặc biệt, chùa còn thờ vi đồ Nguyễn Thị Duệ (người làng Kiệt Đặc, nay là xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, đỗ đạt tại Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng (triều Mạc). Trong chùa có thờ đức Phật Quan Âm Bồ Tát, ở hậu cung có tượng Phật bà.

Theo sử sách ghi lại, vào thời nhà Mạc, vua Mạc Kính Cung cho mở Trường Quốc học Bản Thánh (nay là Bản Thảnh) cứ ba năm một lần tổ chức thi hương, thi hội, thi đình. Liên tục qua 85 năm (1592 - 1677), Trường đã mở được 12 khoa thi, đào tạo được nhiều nhân tài, trong đó có nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Khi còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Duệ đã theo cha lên Cao Bằng. Vốn là người ham học, bà giả trai đổi tên thành Du, xin theo học thầy họ Cao cũng là người Hải Dương. Đến năm Bính Thìn (1616), mấy thầy trò cùng đi thi, kết quả thầy họ Cao đỗ thứ hai, còn bà đỗ đầu bảng. Sau khi đỗ đạt, bà được mời về cung tham dự yến tiệc chiêu đãi tân khoa. Trong yến tiệc, vua đã phát hiện bà là gái giả trai. Nhưng vì cảm mến trước tài đức của bà, nhà vua đã mời bà về ly cung Đống Lân để dạy học cho các hoàng tử, công chúa và kết duyên cùng bà, phong là Tinh Phi (Sao Sa). Năm 1625, vua Mạc Kính Cung bị tướng Trịnh Kiền của nhà Lê bắt và đưa về Thăng Long trị tội. Sau đó, bà Duệ đã chạy về Hạ Lang rồi xuất gia ở chùa Sùng Phúc, lấy pháp danh là Diệu Huyền, tên húy là Du, tên bản Huyền Du cũng được đặt theo tên bà. Trong thời gian ở chùa, bà thường dạy đạo lý và giảng về kinh Phật cho người dân vùng này. Đến năm Tân Mùi (1631), biết tin bà ở Hạ Lang, chúa Trịnh Tráng đã đón bà về Thăng Long và phong cho chức Lễ Thi. Đến cuối đời, dù vua Lê và chúa Trịnh Tạc đều muốn giữ bà ở lại kinh sư, nhưng bà cương quyết từ chối, vì mong muốn về lại quê hương. Sau khi mất, mộ phần của bà được an táng tại quê nhà Hải Dương. Sau này để tưởng nhớ bà Duệ, người dân Hạ Lang (Cao Bằng) đã đúc tượng bà thờ trong chùa. Dưới thời vua Lê Hiển Tông, triều đình đã ban sắc phong cho khu liên phụng tự này và về sau ba triều vua nhà Nguyễn là: Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định cũng đều có sắc phong. Đây cũng là một điểm hiếm thấy ở các ngôi chùa trên dải đất Việt Nam.

Theo các cụ cao niên, trước đây trong chùa Sùng Phúc có đầy đủ các loại tượng và đồ thờ: tượng Quan Âm, tượng Thành Hoàng, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu và 7 loại binh khí... Hiện nay, trong chùa còn một tấm bia đá khắc dưới thời vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 43. Tấm bia có nội dung bằng chữ Hán, ghi lại lịch sử và việc trùng tu chùa, truyền thống bảo vệ Tổ quốc cùng sự hiển linh chở che của vị thần bảo hộ đã đem lại cuộc sống ấm no thái bình cho nhân dân.

Với những giá trị tiêu biểu đó, chùa Sùng Phúc được xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 68/VH-QĐ ngày 29/1/1993.

Trải qua biến thiên cuả lịch sử, Chùa Sùng Phúc không còn giữ được kiến trúc như khi mới khởi dựng, ngôi chùa hiện nay đã được trùng tu nhiều lần. Hiện tại các phật tử cung tiến vào chùa nhiều pho tượng Phật. 
Chùa Sùng Phúc là nơi sinh hoạt văn hóa cổ truyền của dân tộc. Hàng năm lễ hội chùa vẫn được duy trì tổ chức trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân thường gọi là Hội Tam tổng. Trong lễ hội, tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như: Rước kiệu Quan Âm Bồ Tát, Kiệu Thành Hoàng, Kiệu Pháo hoa, múa rồng, múa lân và các trò chơi dân gian khác như: tung còn, đánh yến, cờ người, nhảy bao... Bên cạnh đó còn có các môn thể thao hiện đại như: cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền... làm cho các hoạt động của lễ hội Chùa Sùng Phúc thêm phong phú và đặc sắc thu hút khách thập phương đến trẩy hội vui xuân.

Một số hình ảnh tại Di tích văn hóa lịch sử Chùa Sùng Phúc:
z4126705628777 dafeb434e73c99d8a98f2e770e498afc

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay2,864
  • Tháng hiện tại84,929
  • Tổng lượt truy cập7,691,791
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây