Đại đội xuất quân vào những ngày giáp Tết Ất Dậu, các chiến sĩ ai cũng phấn khởi lên đường. Một tổ trinh sát được phái đi Đồng Mu trước để nghiên cứu vị trí địch và chuẩn bị cho trận đánh. Một bộ phận nhỏ do đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ huy đi phát triển và củng cố cơ sở chính trị tại vùng Nặm Ti đến mỏ Tĩnh Túc, Phja Oắc (Nguyên Bình). Còn đại bộ phận dưới sự chỉ huy của 2 đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm tiến quân theo hướng Bảo Lạc. Từ căn cứ, đơn vị hành quân lên hướng Tây Bắc của tỉnh, chuẩn bị bước vào trận đánh mới - trận đánh đồn Đồng Mu. Xã Xuân Trường nằm ở phía Bắc huyện Bảo Lạc. Từ Xuân Trường có đường ô tô vượt đèo qua Lũng Pán, xã Huy Giáp lên huyện dài khoảng 60 km và đường ngựa vượt đèo Pác Thốc, Mẻ Pia qua xã Khánh Xuân đến huyện mất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Thời Pháp thuộc xã có tên là Ân Quang. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp cho xây dựng tại Đồng Mu một đồn khá kiên cố, theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “so với đồn Phai Khắt và Nà Ngần, đồn Đồng Mu “rắn” hơn nhiều cả về công sự và hỏa lực”. Lính địch đóng giữ đồn này thường có khoảng 40 lính khố đỏ do sĩ quan Pháp chỉ huy.
Từ đồn này, quân địch ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng và truy lùng, bắt bớ cán bộ cách mạng. Vì ở gần biên giới Việt - Trung, thường phải đối phó với bọn thổ phỉ, nên địch xây dựng hệ thống công sự phòng thủ khá vững chắc. Ban chỉ huy thống nhất cách đánh là bí mật đột nhập đồn trong đêm tối để tiêu diệt địch.
Đêm mùng 4 rạng sáng 5/2/1945 (tức ngày 22 tháng Chạp), Đội VNTTGPQ đã xuất kích tấn công đồn. Quân ta tổ chức đánh bằng 3 mũi: một mũi chính diện thu hút hai cửa vào (cửa tiền và cửa hậu), một mũi hướng cửa rút, một mũi trong đó có đồng chí Đàm Quang Trung, bí mật luồn sâu áp sát kết hợp với lính người địa phương được cách mạng giác ngộ từ trước, tổ chức đánh thọc sâu vào đồn. Trước sự tấn công bất ngờ, quân Pháp ở đồn buộc phải mở đường máu tháo chạy, một toán lính chui qua đường hào, bị quân ta áp sáp tiêu diệt tại chỗ 2 tên. Một bộ phận địch co cụm cố thủ trong các dãy nhà và chống cự quyết liệt. Khi trời sắp sáng, quân ta tạm thời rút đi nhằm chuẩn bị cho một đợt tấn cống mới. Để tránh bị tiêu diệt, địch quyết định rút chạy khỏi đồn. Trước khi rút, chúng tập trung vũ khí, đạn dược và những gì không mang theo được rồi tẩm dầu đốt. Việt Minh đã vận động nhân dân xung quanh lên dập lửa và thu được nhiều vũ khí đạn dược để trang bị cho lực lượng vũ trang địa phương. Trong trận công đồn Đồng Mu, ta đã diệt 20 tên, thu 5 khẩu súng và một số đạn dược, bắt 3 tên làm tù binh. Đòn tấn công vũ trang lớn này ở Bảo Lạc báo hiệu và cổ vũ phong trào đấu tranh vũ trang ở địa phương đã phát triển, mở đầu bước ngoặt của cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân ở Bảo Lạc. Trong trận đánh này, đồng chí Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường) đã anh dũng chiến đấu và hi sinh. Đồng chí Xuân Trường là Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trận đánh đồn Đồng Mu tuy không tiêu diệt được toàn bộ quân địch như kế hoạch đã định, nhưng đã để lại một bài học kinh nghiệm quý báu và xây dựng cho bộ đội ta truyền thống chiến đấu anh dũng ngay cả khi gặp khó khăn nhất. Sau khi đồn Đồng Mu bị tấn công, địch rút chạy, xã Ân Quang được giải phóng. Để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của liệt sĩ Xuân Trường, xã Ân Quang được mang tên mới là xã Xuân Trường. Sau đó một thời gian, xã Xuân Trường được tách thành 3 xã: Xuân Trường, Khánh Xuân, Phan Thanh. Hòa bình lập lại, xã Xuân Trường lại được chia tách thành 3 xã: Xuân Trường, Đồng Mu, Hồng An. Đến năm 1981, hai xã Xuân Trường và Đồng Mu hợp nhất thành xã Xuân Trường.
Khu Di tích lịch sử Đồn Đồng Mu được công nhận là khu di tích lịch sự quốc gia vào năm 1995 và được Bộ Quốc phong đầu tư xây dựng năm 2013 và hoàn thành năm 2014.
Click đường link để xem chi tiết giới thiệu Di tích lịch sử Đồn Đồng Mu: https://baolac.caobang.gov.vn/du-lich-bao-lac/di-tich-lich-su-don-dong-mu-921262