Là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 24,325km thuộc địa bàn 03 xã: Ngọc Côn, Ngọc Khê và Đình Phong của huyện Trùng Khánh; tiếp giáp với nhiều thôn, bản của trấn Nhạc Vu, huyện Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc. Đặc biệt, đoạn biên giới do Đồn quản lý là khu vực có địa hình phức tạp, địa hình phức tạp, với nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới của công dân hai nước; nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù đơn vị đã bố trí 18 chốt cố định và 05 tổ cơ động dọc chiều dài đoạn biên giới phụ trách, nhưng nơi đây vẫn trở thành "điểm nóng" về tình trạng công dân XNC trái phép.
Theo số liệu thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Đồn Biên phòng Ngọc Côn đã phát hiện, bắt giữ hơn 2.200 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép về nước và 20 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; ngăn chặn 218 trường hợp công dân Việt Nam có ý định xuất cảnh trái phép qua biên giới. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 02 vụ/ 03 đối tượng về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác XNC trái phép qua địa bàn đơn vị quản lý.
Nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng công dân xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới sẽ gia tăng vào dịp cuối năm. Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục duy trì các tổ, chốt trên biên giới, Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ngọc Côn đã chỉ đạo các tổ chốt phân nhỏ lực lượng bố trí thêm vị trí trực tại tất cả các đường mòn, lối mở trên biên giới và những nơi mà các đối tượng có thể lợi dụng để xuất, nhập cảnh trái phép hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Để đảm bảo nơi nghỉ ngơi cho cán bộ, chiến sĩ sau những giờ trực, phương án được lựa chọn chính là việc sử dụng tăng võng, mắc trực tiếp tại các vị trí trực. Bởi, Tăng võng là quân trang có khả năng che mưa, nắng gần như tuyệt đối, độ bền cao, đặc biệt là tính cơ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là phương án tối ưu ở thời điểm hiện tại, vừa giải quyết được vấn đề nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ, vừa tiết kiệm được kinh phí dựng chốt cố định, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn.
Phải khẳng định rằng: Không đâu bằng về nhà và có một giấc ngủ thật ngon, sau những giờ làm việc căng thẳng, nhất là trong những ngày mùa Đông giá rét nơi miền biên viễn. Bản thân những người lính nơi đây cũng vậy, cũng luôn có nhu cầu được hưởng những thói quen sinh hoạt lành mạnh đó. Nhưng, khi đã mang trên vai sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân - Ở thời điểm hiện tại sứ mệnh đó là: Tích cực, tự giác, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch của tỉnh Cao Bằng, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng "giặc" Covid-19, thì cũng là lúc những "nhu cầu"rất đỗi đời thường kia sẽ không xuất hiện trong suy nghĩ của các anh; với các anh thức, để Tổ quốc và Nhân dân có giấc ngủ bình yên chính là trách nhiệm cao nhất của người lính Cụ Hồ, là lý tưởng để các anh lựa chọn khoác lên mình bộ quân phục màu Xanh - Màu áo đã trở thành huyền thoại:
"Nhân dân gọi các Anh, Bộ đội Cụ Hồ
Những người lính đêm ngày không biết mỏi
Khi Tổ quốc thân yêu lên tiếng gọi
Tay súng sẵn sàng bảo vệ quê hương
Bộ đội Cụ Hồ, tiếng gọi thân thương!
Màu áo xanh như cây đời hy vọng.
Dẫu đời lính gian nan, lòng chẳng hề lay động
Vẫn nở nụ cười tươi rói trên môi!
Đêm thức cùng anh ngàn ánh sao rơi
Cùng gác trăng, đón bình minh thức giấc
Lắng nghe tiếng thì thầm của đất
Tiếng ngàn xưa êm ái vọng về !..."
Thơ: Trà Thanh Lành