Chúng ta đi đến chủ nghĩa xã hội như thế nào? (Kỳ I)

Thứ sáu - 08/10/2021 04:28
Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết đặt ra hàng loạt vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?… Trong tầm nhìn bao quát đó, ở đây, vấn đề đi đến chủ nghĩa xã hội như thế nào càng trở nên nổi bật và cấp thiết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc tết, tặng quà nhân dân và các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội đang vui xuân bên đền Ngọc Sơn _Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc tết, tặng quà nhân dân và các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội đang vui xuân bên đền Ngọc Sơn _Ảnh: TTXVN
Đổi mới tư duy, mở tầm viễn kiến, nắm vững quy luật

Trái với sự phỏng đoán của nhiều người, sự báng bổ và chế nhạo của các thế lực thù địch trước đây và nhất là vào những năm 80 – 90 của thế kỷ XX và cho tới tận hôm nay về cái gọi là “chủ nghĩa xã hội sụp đổ” (?!), “chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chết” (?!), khi hiện nay, như bất cứ ai đều thấy, các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á tới khu vực Mỹ La-tinh không những tiếp tục tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ. Thực tiễn ở Việt Nam và nhiều nước đã và đang tiếp tục chứng minh tính hiện thực của các cuộc cách mạng dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, một cách thống nhất nhưng đa dạng và sinh động, không gì cản nổi.

Hiện thực ấy có một ý nghĩa to lớn. Nó vạch rõ vận mệnh và xu thế vận động mới của chủ nghĩa xã hội. Nó chứng minh một cách xác đáng về tính chất của thời đại ngày nay – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Nó giáng trả một cách đích đáng tất cả các âm mưu và hành động chống lại nó, bôi nhọ và chống lại chủ nghĩa Mác – Lê-nin, suốt hàng trăm năm qua. Đặc biệt, qua hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX giông bão và hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI, từ những tầng sâu thẳm, phức tạp, đầy thử thách của thực tiễn, nó khẳng định và cổ vũ phong trào thực tiễn xã hội chủ nghĩa tiếp tục tiến lên.

1- Dù thăng trầm, chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu phát triển của tiến bộ xã hội trong thời đại ngày nay

Lịch sử là dòng chảy liên tục, đa tuyến và không thuần nhất. Do đó, có những lúc, ở những tuyến nào đó, có sự ngưng đọng. Mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ đã khiến cho không ít người ngỡ ngàng, dao động, thậm chí có người mất phương hướng; và ngược lại, làm cho lắm kẻ hí hửng, mừng vui, được dịp đoán bừa về cái gọi là “sự sụp đổ định mệnh của chủ nghĩa xã hội” (?!). Lịch sử vốn không đơn giản và thuần nhất, vì sự phát triển biện chứng trong giới tự nhiên và trong xã hội – tức là mối liên hệ nhân quả của sự vận động tiến lên từ thấp đến cao thông qua tất cả những sự vận động chữ chi và cả những bước lùi tạm thời. Nói cách khác, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực nói riêng không nằm ngoài quy luật phát triển của lịch sử nhân loại nói chung được biểu hiện bằng sự phát triển thống nhất trong đa dạng, giữa liên tục và đứt đoạn, giữa đường thẳng và gấp khúc, giữa tiến lên và giật lùi tạm thời, giữa ngưng đọng và nhảy vọt… Cho nên, dù lịch sử của chủ nghĩa xã hội đã đi đúng hướng tuy không nhanh như chúng ta mong đợi, vẫn làm một số người phân tâm, lo lắng.

Sự vận động tự nhiên của lịch sử thế giới là tất yếu đi tới chủ nghĩa xã hội, xét từ bản chất và tiền đồ của chính chủ nghĩa tư bản. Tờ nhật báo Phố Uôn (Mỹ) từng viết, Mác không giải phẫu chủ nghĩa tư bản, mà bắt đầu bằng cấu trúc nền tảng của nó để làm nổi bật lên những vấn đề của nó và để cuối cùng dự báo sự sụp đổ của nó. Thế kỷ XX đã chứng minh điều tiên báo ấy.

Cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm đảo lộn thế giới, tạo bước nhảy vọt về sự phát triển của tính chất và trình độ mới của lực lượng sản xuất. Và dưới chủ nghĩa tư bản, cho dù hiện nay và có thể trong nhiều năm tới, lực lượng sản xuất vẫn tồn tại và phát triển trong khuôn khổ chật hẹp của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa (tất nhiên quan hệ đó được điều chỉnh nhất định với sự cố gắng chủ quan của giai cấp tư sản) thì những gì mà tin học hoá, số hóa mang lại sức bật mới cho lực lượng sản xuất đã có cũng đủ để chúng ta có thể nhận ra xu thế phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất. Nó sẽ vận động, phát triển đạt tới giới hạn – giới hạn đó chính là sự phát triển tới mức độ mà tiến bộ xã hội dựa trên lực lượng sản xuất ấy, muốn thực hiện được, tất yếu phải thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng một quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất hiện nay. Vì bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dù có điều chỉnh như thế nào thì vẫn là sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Trong khuôn khổ của quan hệ sản xuất ấy, lực lượng sản xuất chỉ được chú ý, tạo điều kiện phát triển trong phạm vi không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà tư bản. Trong khi tồn tại và phát triển, trái với ý muốn chủ quan của các nhà tư sản, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một cách khách quan những tiền đề và yếu tố cho chủ nghĩa xã hội ngay từ trong lòng nó, trong mỗi bước đi của nó.

Nhưng chính những thành tựu của cuộc cách mạng thông tin, của kinh tế tri thức mà chủ nghĩa tư bản hiện nay đang nắm lấy và lợi dụng để duy trì sự tồn tại đang dần vượt khỏi sự kiểm soát của nó. Biện chứng tất yếu của lịch sử là chính những phương tiện mà chủ nghĩa tư bản tạo ra hay đang lợi dụng để duy trì tạm thời sức mạnh và chỗ đứng của mình lại trở thành phương tiện chống lại nó, dẫn nó đến bước tự phủ định, một cách tất yếu, dù sớm hay muộn. Diễn đạt theo C. Mác, lực lượng sản xuất hiện đại với kinh tế tri thức đang nổi dậy chống lại phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chống lại quan hệ sản xuất, phân phối và trao đổi tư sản. Đó là tất yếu.

Hơn nữa, có một hệ quả khác không thể phủ nhận rằng, chính điều đó là căn nguyên gây ra những sự thoái bộ nghiêm trọng, nhất là trong đời sống đạo đức, văn hoá, làm cho tiến bộ xã hội trong chủ nghĩa tư bản vốn đã bị tổn thương bởi được xây dựng trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa thì hiện nay, tính chất và mức độ ngày càng trở nên sâu sắc, khi sự phân cực giàu nghèo ngày càng tăng, nhất là do siêu lợi nhuận của các nhà tư bản thu được từ các hàng hoá đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin; khi hệ thống công nghệ mới bị ràng buộc bởi lợi nhuận tối đa, sẽ ném ra hè phố hàng triệu công nhân…

Vì thế, nhân loại đón nhận chủ nghĩa xã hội với tất cả lô-gíc của sự phát triển xã hội mà Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc khai phá mở đường. Hiện nay, dù đổ vỡ một bộ phận lớn, nhưng vẫn còn hơn 1,5 tỷ người sống dưới các chế độ xã hội chủ nghĩa tại các quốc gia ở châu Á và Mỹ La-tinh. Con đường xã hội chủ nghĩa vẫn là con đường các dân tộc đi theo để giành lại độc lập tự do và sự tiến bộ xã hội. Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn không chỉ là tư tưởng của một giai cấp, càng không chỉ là một mục tiêu của nhân dân lao động trên toàn thế giới, mà còn là tư tưởng đạo lý, tư tưởng giải phóng loài người thông qua các cuộc cách mạng xã hội, giải phóng trí tuệ và bảo đảm chất lượng cuộc sống của con người, theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Trong sự nghiệp vĩ đại song đầy khó khăn và quyết liệt đó, không thể tránh khỏi sự thăng trầm, thành bại ở lúc này hay lúc khác, ở nơi này hay nơi kia. Đó là biện chứng của lịch sử. Nếu tính từ năm 1847 – thời điểm tổ chức Đồng minh những người cộng sản được thành lập – tới nay, thực tiễn cho thấy chủ nghĩa xã hội đã trải qua sáu kỳ cao trào rồi thoái trào. Và lần này là lần nặng nề nhất – chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ ngay trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Kinh nghiệm lịch sử hơn 150 năm của chủ nghĩa xã hội khoa học qua những kỳ thoái trào đã chỉ rõ, mỗi lần như vậy chủ nghĩa xã hội luôn soát xét lại mình và tiếp tục phát triển, lớn mạnh hơn, như những con sóng, lớp này tiếp lớp kia liên tục bồi đắp, tích tụ xung lực để tạo nên những ngọn sóng ngày càng mạnh mẽ hơn, phát triển theo các vòng xoáy trôn ốc với chất lượng mới, cao hơn và sâu sắc hơn.

Hiện nay, trên thực tế, chủ nghĩa xã hội thế giới đang gặp phải rất nhiều khó khăn, trở lực, thậm chí có những bộ phận tan vỡ do những sai lầm gây ra, có những tuyến, những phân hệ nào đó đổi dòng, trở hướng hoặc rẽ ngang, khiến không ít người dao động. Việc các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô để mất chế độ và chuốc lấy hậu quả nặng nề thật khó chứng tỏ rằng những con đường cải tổ của những nước này là đúng đắn. Song, bên cạnh đó, do đạt được sự thận trọng và chính xác cần thiết, nên cuộc cải cách, đổi mới ở các nước Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba… đã đạt được những thành tựu quan trọng, trái với mong đợi về “sự sụp đổ định mệnh của chủ nghĩa xã hội” (?!) nào đó. Do vậy, cũng chưa khi nào như hiện nay, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội có đặc điểm là không đồng đều…

Như vậy, chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ có một, nhưng có nhiều con đường, có nhiều mô hình thể hiện. Sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một loại mô hình trên con đường đi tìm cách thực hiện lý tưởng cộng sản mà thôi. Điều này càng cho thấy, tình hình xảy ra ở Liên Xô dứt khoát không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội khoa học đã phá sản. Ngược lại, đó là hậu quả của sự xa rời và phản bội học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học trong suốt một thời gian dài. Sai lầm đó là nghiêm trọng, vì về căn bản, nó đi ngược lại học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, dứt khoát không thể song song tồn tại với chủ nghĩa xã hội được. Cho nên, việc suy luận từ thất bại của một bộ phận, rồi đánh đồng với sự sụp đổ của một học thuyết khoa học là hết sức vô lý. Lịch sử vốn phức tạp và chưa bao giờ phát triển theo con đường thẳng tắp. Việc chế độ xã hội chủ nghĩa bị đẩy lùi ở nơi này hay thất bại tại nơi khác cũng là lẽ dễ hiểu, nhưng không thể phủ nhận và cho rằng lý tưởng xã hội chủ nghĩa “đã chết” (?!) hoặc vĩnh viễn bị loại ra khỏi kho tàng lý luận và trí tuệ của nhân loại. Một nhà chính trị người Pháp, ông Ma-xi-mê Grem-xetz nhận định, hiện nay, không một chút nào có thể kết tội chủ nghĩa xã hội và các lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Nếu như có một cái gì đó ngày hôm qua đã chết đi thì chính là những gì đã gắn với quan niệm tập trung hoá, chuyên quyền, quan liêu về chủ nghĩa xã hội và cản trở một cách nặng nề sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Và Ph. Hê-ghen, người tiền bối trực tiếp của C. Mác về phép biện chứng, từng nói đại ý rằng: Triết học hiện đại là kết quả của tất cả các nguyên lý có từ trước đó; như vậy, không có một hệ thống nào bị lật đổ. Không phải nguyên lý của triết học đó bị lật đổ mà chỉ có sự giả định rằng nguyên lý đó là định nghĩa tuyệt đối cuối cùng bị lật đổ mà thôi. Nếu không như thế, nói như C. Mác, thì việc áp dụng lý luận vào bất cứ một thời kỳ nào của lịch sử có lẽ dễ dàng hơn là việc giải đáp một phương trình đơn giản bậc nhất vậy.

Chính vì thế, chủ nghĩa xã hội hiện thực dù có tạm thời lâm vào thoái trào, bị tổn thất một bộ phận nào đó, nhưng không có nghĩa là nó đã bị diệt vong. Với hơn 1,5 tỷ người ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa đang cho thấy sự phục hồi và phát triển của chủ nghĩa xã hội. Ngay ở các nước thuộc Liên Xô trước đây và các nước Đông Âu ngày nay cũng đang có sự hồi phục của phong trào cộng sản và sự kiên trì đấu tranh cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Rõ ràng, từ trong tâm lý hoảng hốt ấy, đã chứa đựng sự thừa nhận trước một sự thật hiển nhiên là, lý tưởng cộng sản không thể bị thủ tiêu, chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn tiếp tục tồn tại và từng bước phát triển. Cho dù muốn hay không, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng và càng lớn mạnh hơn trong những thập niên tới. Đó không phải là sự võ đoán, mà đó là sự vận động tất yếu của lịch sử. Sự thật đã và đang chứng minh rằng, sự phát triển quan trọng nhất của thế kỷ XX không phải là chủ nghĩa thực dân tuyên cáo kết thúc hoặc chủ nghĩa dân chủ có bước tiến lên, mà là chủ nghĩa cộng sản vùng dậy, như chính cựu Tổng thống Mỹ – R. Nich-xơn, từng viết trong cuốn sách “1999 – chiến thắng không cần chiến tranh”.

2- Giữ vững độc lập dân tộc, chủ động tăng cường hội nhập quốc tế một cách đa dạng và mềm dẻo theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa – phương án phát triển hiệu quả của chủ nghĩa xã hội hiện nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
kiên định đường lối đổi mới _Ảnh: Tư liệu

Sự biến động mạnh mẽ và sâu sắc của chủ nghĩa xã hội trong 20 năm cuối cùng của thế kỷ XX càng củng cố quan niệm cho rằng, chủ nghĩa xã hội thế giới không thể phát triển và lớn mạnh trong trạng thái khép kín. Thực tế lịch sử chủ nghĩa xã hội xác nhận rằng, những quan niệm và nhận thức một thời về các nước có chế độ chính trị khác nhau, các hệ thống thế giới và về sự tương tác giữa chúng với nhau… đã được hình thành cứng nhắc, phiến diện do không tính đến một cách thích đáng kinh nghiệm hiện thực của các nước, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa; đặc biệt là, những con đường phát triển, những giải pháp khác nhau, dù nhằm thực hiện những nguyên tắc chung theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, bị kỳ thị; những bài học phát triển năng động và đa dạng của các nước khác, đặc biệt là các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới bị làm ngơ, thậm chí bị bưng bít.

Xét trên phạm vi quốc tế, khả năng phục hồi và phát triển ở các nước xã hội chủ nghĩa tuy đã rất rõ ràng, song còn nhiều khó khăn, phức tạp. Dù có đi lên chủ nghĩa xã hội bằng những con đường riêng của mình, các nước vẫn cần có sự đối chiếu rộng rãi các quan điểm, các kinh nghiệm của mình và ra sức thâu thái tinh hoa của nhân loại nhằm tạo thành sức mạnh chung bảo đảm sự hoạt động tự giác và đổi mới không ngừng. Đó là quy luật vận động của chủ nghĩa xã hội. Vì thế, mở rộng quan hệ hợp tác là một đặc trưng quan trọng vốn có của chủ nghĩa xã hội, cũng là con đường phát triển và tiến bộ của các nước xã hội chủ nghĩa. Do vậy, xây dựng một chiến lược hợp tác dựa trên quá trình phân tích tỉnh táo, sâu sắc và không định kiến các mối quan hệ độc lập và tương hợp lẫn nhau giữa các nước và đẩy nhanh sự hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề tất yếu và cấp bách.

Toàn bộ thực chất của sự hợp tác này được quy định và bảo đảm bởi những tiền đề, mà trước hết đó là những nhu cầu của quá trình phát triển nội tại của mỗi nước, gắn kết các quá trình ấy một cách khách quan, chân thật với hiện thực và triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội. Trước kia, vào những năm 70 của thế kỷ XX, sự khó khăn ở các nước xã hội chủ nghĩa đã trầm trọng, thì hiện nay, vấn đề càng thực sự trở nên nóng bỏng, phức tạp, do bị chi phối bởi di họa của sự sụp đổ một mảng lớn trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa; cho nên, phải tăng cường sự hợp tác và tiến lên một trình độ mới. Sẽ rất sai lầm nếu không trao đổi để giúp nhau có những kinh nghiệm và thông tin phong phú hơn, nhằm tránh được những sai lầm và tổn thất không đáng có. Đây chính là chìa khóa để hiểu đúng chính sách đối nội, đồng thời trong phạm vi lớn hơn là nhận thức đầy đủ chính sách đối ngoại của nhau, tất cả vì lợi ích lâu dài của chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn đang đòi hỏi cần đổi mới các hình thức quan hệ nhằm thay đổi về chất tính chủ động của mỗi nước, tăng cường sự chú ý đến đặc điểm riêng, làm phong phú và đa dạng hơn các hình thức tổ chức xã hội. Giai đoạn mới này càng đặt ra sự cần thiết về tính nhất quán xây dựng toàn bộ hệ thống quan hệ chính trị giữa các nước trên cơ sở độc lập, bình đẳng, hoàn toàn tự chủ, có trách nhiệm và cùng quan tâm đến những lợi ích chung. Trong các quan hệ kinh tế, phải tôn trọng các nguyên tắc cùng có lợi và tương hỗ lẫn nhau; trong các quan hệ quốc tế, cần kết hợp hữu cơ quyền chủ động của mỗi nước với những nguyên tắc chung đã thỏa thuận nhằm làm cho các mối quan hệ đa dạng hơn, ngày càng rút ngắn những khoảng cách. Hiện thực mới đã sáng tỏ một câu trả lời chung, nếu tính đa dạng của các hình thức của chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm sự thống nhất quan niệm về các quy luật cơ bản của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trong các mối quan hệ, sự phong phú, mềm dẻo và linh hoạt của các hình thức, phương pháp trong khuôn khổ những nguyên tắc chung của đường lối đối ngoại xã hội chủ nghĩa là tất yếu và cũng là một nhu cầu nội tại. Vì vậy, phải tiếp tục nhìn lại một cách khách quan những vấn đề trung tâm của chủ nghĩa xã hội, đổi mới những quan niệm về sự đa dạng và hiệu quả của sự hợp tác, về những con đường tăng cường sự tiến bộ của chủ nghĩa xã hội; đồng thời, loại trừ những biểu hiện cực đoan của chủ nghĩa dân tộc. Nghĩa là, cùng nhau xác lập các giá trị lý tưởng, giá trị mục tiêu và giá trị có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.

Thế giới đang biến đổi, sự vật mới không ngừng xuất hiện, vấn đề mới không ngừng được đặt ra, đòi hỏi tất cả các nước phải mở cửa và hội nhập quốc tế một cách phù hợp với mình. Rõ ràng, nếu cứ bó mình trong khuôn khổ quốc gia, dân tộc hẹp hòi hoặc giáo điều, rập khuôn máy móc thì không có sự khai thông nào cả, nói chính xác đó là những hành động tự trói mình, tự cấm vận mình. Lịch sử từng chỉ rõ, không có giao lưu quốc tế thì không có lịch sử thế giới. Hơn nữa, từ bản chất của chủ nghĩa xã hội, như C. Mác chỉ rõ: Vô sản chỉ có thể tồn tại trên phương diện lịch sử toàn cầu, cũng như chủ nghĩa cộng sản, vốn là hành động của nó, thực tế cũng không thể tồn tại được, trừ sự tồn tại mang tính chất lịch sử toàn cầu của nó.

Bởi vậy, trong tổng thể các quan hệ quốc tế hiện nay, không phải chỉ là sự giúp đỡ, mà cả sự hợp tác và hợp tác không phải chỉ với các nước xã hội chủ nghĩa, mà cả với các nước không xã hội chủ nghĩa. Do đó, không thể chấp nhận quan niệm cho rằng, chủ nghĩa xã hội có thể đẩy lùi chủ nghĩa tư bản một cách nhanh chóng và máy móc, cũng không thể dung nạp nhận thức về sự tồn tại hoà bình như một sự phát triển song song mơ hồ nào đó; mà trái lại, đó là sự xung đột không kém gay go, đầy thách thức dưới mọi hình thức. Dù có đối lập về mặt chế độ xã hội giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nhưng mối liên hệ và sự tác động qua lại giữa hai chế độ này là vừa đấu tranh, vừa hợp tác với nhau một cách tất yếu. Nói cách khác, cần nhận thức và hành động trước chủ nghĩa tư bản với phương châm nó vừa là đối tượng, vừa là đối tác. Hiện nay, trong các trường hợp khác nhau, những dấu hiệu của việc các đảng cộng sản đang chiếm lĩnh lại trận địa và ý thức về nhu cầu đoàn kết quốc tế của họ cũng như với các lực lượng dân chủ và các lực lượng tiến bộ khác đang tăng lên.

Cần khẳng định rằng, nếu mọi hình thức của chủ nghĩa xã hội đều tốt khi nó góp phần xoá bỏ sự bóc lột, cải thiện điều kiện sống của con người, đề cao con người, phát huy dân chủ và bình đẳng xã hội, khi nó đưa ra được mô thức phát triển kinh tế hợp lý với tốc độ cao và bền vững, thì sự hội nhập quốc tế có nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội sẽ không ngừng cổ vũ nhân loại, tiếp tục mở ra những con đường rộng rãi, mới mẻ đi lên chủ nghĩa xã hội ở mọi quốc gia, dân tộc, trên quy mô toàn cầu. Do vậy, việc tăng cường, chủ động và tích cực hợp tác, hội nhập quốc tế một cách đa dạng, phong phú, toàn diện, sâu rộng trên cơ sở độc lập dân tộc theo các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa đã, đang là đòi hỏi và phát triển tất yếu của chủ nghĩa xã hội phù hợp với thời đại.

3- Cải cách, đổi  mới một cách có nguyên tắc – con đường duy nhất đúng để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội là một phong trào hiện thực vận động trên cơ sở khoa học nên không thể không tự làm giàu thêm những tri thức mới, thâu thái những kinh nghiệm mới; đồng thời, phải thay thế, loại bỏ những kết luận, những bài học thiếu sót đã được kiểm chứng qua thực tiễn lịch sử. V.I. Lê-nin nói: Chúng ta không hề coi lý luận của C. Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống.
Theo ý nghĩa đó, cải cách, đổi mới chính là nhằm đáp lại đòi hỏi, yêu cầu và thách thức về mặt lý luận của chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, dưới góc độ thực tiễn thì xã hội xã hội chủ nghĩa không phải là một xã hội hoàn chỉnh ngay tức thì, mà cũng như mọi chế độ xã hội khác, nó cần phải được xem xét trong sự biến đổi và cải tạo thường xuyên. Do đó, đổi mới, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội luôn là một nhu cầu, một tất yếu trong quá trình phát triển.

Nói cách khác, việc suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một nhu cầu, một tất yếu cả về sự đòi hỏi phát triển lý luận tư tưởng và thực tiễn; đồng thời, là con đường duy nhất đúng của thực tiễn, nhưng đòi hỏi rất cao khả năng tìm ra các mâu thuẫn xã hội, xác lập chủ trương giải quyết đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bởi thực tiễn cho thấy, các xã hội sinh ra không phải trong một thể hình hoàn chỉnh. Ngay chủ nghĩa tư bản ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX…, thậm chí tới nửa đầu thế kỷ XX cũng hoàn toàn chưa phải là chủ nghĩa tư bản “văn minh”, được “thuần  hoá”. Nó đã trải qua các cuộc khủng hoảng sinh tử và cải cách nghiêm khắc. Chủ nghĩa xã hội cũng không phải là trường hợp ngoại lệ của lô-gíc lịch sử này.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phải được đổi mới, cải cách thì mới có thể tự mở đường cho sự phát triển của chính nó và nhân loại tiến bộ, mới có thể đáp ứng phù hợp với yêu cầu của thời đại nhằm tiếp tục đưa loài người ra khỏi vực thẳm nghèo đói, bệnh tật và lạc hậu, đem lại tự do, công lý và quyền được tôn trọng cho con người. Con người vốn có quyền được hưởng và bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp và đang tiếp tục đấu tranh không mệt mỏi vì mục tiêu đó. Chủ nghĩa xã hội đổi mới chính là nhằm kiên trì và nỗ lực thực hiện mục tiêu cao cả ấy.

Xét về nguyên tắc, từ yêu cầu của công cuộc đổi mới, cải cách, không một quốc gia xã hội chủ nghĩa nào lại không hướng tới việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình, bảo vệ những thành tựu mà chủ nghĩa xã hội đã đạt được, nghiền ngẫm lại mục tiêu và mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội, những bước trung gian, hình thức và nhịp độ chuyển hoá xã hội, con đường dẫn tới mục tiêu đó sao cho phù hợp với sự phát triển của thời đại… Đó là một nhu cầu nội tại đối với sự phát triển. Đồng thời, dù trong xu thế toàn cầu hoá và khu vực hóa hiện nay, chủ nghĩa tư bản vẫn đang tấn công quyết liệt vào chủ nghĩa xã hội và xu thế tiến bộ của thời đại. Cho nên, lực lượng tiến bộ phải có sức mạnh, cần thiết phải xây dựng một khối đại đoàn kết quốc tế của các dân tộc trên toàn thế giới. Mặc dù trong tình thế chủ nghĩa xã hội hiện thực bị tổn thất một bộ phận lớn, nhưng tính chất của cuộc đấu tranh vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta không thể trở lại con đường cũ, mà phải đổi mới nhằm xây dựng một hình thái kinh tế – xã hội mới để chấm dứt chủ nghĩa tư bản, như C. Mác nói. Chủ nghĩa xã hội hiện thực phải tiếp tục phát triển, xứng đáng với thách thức và đòi hỏi ấy của lịch sử. Nói cách khác, sức mạnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội nói chung và của mỗi nước xã hội chủ nghĩa nói riêng, trước hết tuỳ thuộc vào công cuộc cải cách, đổi mới, phát huy sáng tạo theo đúng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhằm khắc phục những nhược điểm, khuyết tật mà trước đây đã vấp phải.
Vì thế, cải cách, đổi mới một cách có nguyên tắc trở thành đường lối phát triển cơ bản và quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội; là một tất yếu, một nhu cầu nổi bật, ngay từ hai thập niên 80 – 90 của thế kỷ XX tới nay.

Thực tiễn công cuộc đổi mới, cải cách ngày càng đòi hỏi cần phải có sự uyển chuyển trong cách tiến hành của mỗi dân tộc. Tiến hành theo phương pháp nào, cách thức tiến hành ra sao, đó là công việc riêng của mỗi nước và phải do đảng cộng sản và nhân dân nước đó tự quyết định. Với mục đích thống nhất, nhưng sự lựa chọn những con đường, giải pháp khác nhau là hoàn toàn tự nhiên. Mọi sự dịch chuyển mô hình, kinh nghiệm một cách giáo điều chỉ đem lại sự thất vọng và việc “đốt cháy” thời gian một cách nóng vội sẽ chỉ dẫn đến hậu quả sai lầm. Nếu không xuất phát từ chính mình, từ “điểm xuất phát” với các truyền thống văn hóa, dân tộc, xã hội… để lựa chọn phương thức, con đường, tốc độ cải cách, đổi mới phù hợp thì không thể tiếp tục tiến lên. Nói khái quát, chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được bất kỳ một sự giải phóng hiện thực nào, nếu sự giải phóng ấy không thực hiện trong thế giới hiện thực và bằng những phương tiện hiện thực.

Công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây lại là bằng chứng về sự “nhảy cực”, tự “ly thân” với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và với cả chính mình. Mọi ý định tốt đẹp đã không diễn ra trên thực tế, do thiếu những cơ sở lý luận được luận chứng một cách khoa học và một cương lĩnh thực thi hiệu quả. Sự phê phán không mang tính xây dựng đã chuyển thành cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội. Kết quả là, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này bị sụp đổ. Nguyên nhân của sự đổ vỡ là do họ đã đi chệch khỏi những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội trên mọi bình diện. Vai trò định hướng của nhà nước và sự ổn định về chính trị là vô cùng quan trọng, nhưng lại bị coi nhẹ. Mức sống chung của toàn dân, đặc biệt là người lao động cần được quan tâm thì không được đối xử thoả đáng và thiếu những dự án hữu hiệu. Công cuộc cải tổ toàn diện là một quá trình đòi hỏi sự thận trọng thì lại biến thành hành động vội vã và đã phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Qua đây, những người Xô-viết thấm thía rõ rằng, “cải tổ” bị thất bại không phải bởi không cần cải cách chủ nghĩa xã hội, không phải bởi không thể cải cách được, và cũng không phải bởi cải cách quá muộn màng, mà bởi vì “cải tổ” quá yếu ớt với tư cách là một chiến lược, một chính sách và một cẩm nang chỉ dẫn quá trình cải cách. Sự thất bại của “cải tổ” không phải được định trước về mặt nguyên tắc hoặc về mặt lịch sử, nó diễn ra một cách cụ thể trên thực tế. Đúng như lời tiên báo của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô: Người ta tuyên bố rằng, cần phải hoàn thiện chủ nghĩa xã hội… Nhưng phải chăng có thể hoàn thiện được chủ nghĩa xã hội bằng cách từ bỏ những nguyên tắc sơ đẳng nhất của chủ nghĩa Mác – Lê-nin? Tại sao cái gọi là những cuộc cải cách lại phải được tiến hành theo hướng tư bản chủ nghĩa? Nếu những tư tưởng ấy mang tính chất cách mạng như có người nào đó vẫn khẳng định, thì tại sao nó lại nhận được sự ủng hộ nhất loạt và mừng rỡ của các nhân vật lãnh đạo của chủ nghĩa tư bản?

Trong khi đó, Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba… tiến hành cải cách, đổi mới lại theo những mô thức, giải pháp khác. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định: “Người Trung Quốc nhìn nhận chủ nghĩa xã hội… và đang xây dựng chủ nghĩa xã hội theo cách riêng của mình”, “Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là điều không ai lay chuyển được. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng là chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc, là chủ nghĩa xã hội không ngừng phát triển lực lượng sản xuất”. Cuộc cải cách “vì chân lý và lẽ phải” ở Cu-ba được bứt phá từ điểm xuất phát năm 1993. Tại Việt Nam, từ năm 1986, Đảng ta khởi  xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước – một cuộc chuyển mình lịch sử “có ảnh hưởng vượt tầm quốc gia, gây ấn tượng cho cả thế giới”, như bạn bè quốc tế nhận định.

Các nước Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba… tiếp tục ổn định và phát triển theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa nhờ công cuộc cải cách, đổi mới một cách có nguyên tắc từ suy nghĩ độc lập, sáng tạo, xuất phát từ chính thực tiễn của mình, thông qua những con đường, phương pháp, cách thức tiến hành phong phú, năng động. Nói một cách khái quát là, những kết quả trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội phụ thuộc rất cơ bản vào việc kết hợp đúng đắn cái phổ biến và cái đặc thù trong sự phát triển xã hội. Hiện nay, chúng ta biết không chỉ về mặt lý thuyết mà cả về mặt thực tiễn rằng, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ngày càng đa dạng và hiệu quả nhưng phải tuân theo những quy luật chung một cách thống nhất đối với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa; đồng thời, cũng thấm thía rằng, sự tác động của những quy luật chung chi phối các hình thức khác nhau có ý nghĩa cơ bản và quyết định, song nếu không lựa chọn đúng các bước đi thích hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước thì không thể tiến hành thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Rõ ràng, bản chất và những quy luật chung của chủ nghĩa xã hội trong những trường hợp khác nhau, cần phải được thực hiện bằng cách thức riêng thông qua những con đường khác nhau phù hợp với khuôn khổ, điều kiện và thời gian cụ thể nằm trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển mang tính độc lập và tự chủ của chủ nghĩa xã hội khoa học ở từng nước.

Điều đó càng chứng minh tính thời đại, tính tất yếu và sức sống của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay./. (còn tiếp)

Nguồn tin: huongsenviet.com

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay5,574
  • Tháng hiện tại159,786
  • Tổng lượt truy cập7,766,648
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây