Nhận rõ vị trí của con đường số 4 qua ba tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, chạy qua khu căn cứ địa Việt Bắc – hậu phương lớn của cuộc kháng chiến có chung đường biên giới với Trung Quốc. Thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu đóng chiếm con đường chiến lược này nhằm đánh phá hậu phương, thực hiện mưu đồ chia rẽ các dân tộc và chặn mối liên hệ với quốc tế của Việt Nam.
Trước những chuyển biến mới của tình hình thế giới và trong nước, để đưa cách mạng Việt Nam hoà nhập với cách mạng thế giới. Ngày 6/1/1950 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề ra chủ trương: “Chuẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét địch ra khỏi đường số 4 và một đoạn bờ bể, đánh bại quân địch trong vùng Đông Bắc”
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh, quân và dân các tỉnh biên giới nhất là quân và dân tỉnh Cao Bằng đã tích cực chuẩn bị các mặt để đánh địch. Nhân dân các tỉnh Đông Bắc đã hăng hái đóng góp sức người, sức của, tích cực chuẩn bị chiến trường, sửa đường, vận tải, thanh niên hăng hái vào bộ đội để giết giặc bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi đã chỉ đạo việc chuẩn bị tỷ mỷ mọi mặt, tháng 6/1950 Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, mục tiêu đề ra là: (1) Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đẩy địch ra khỏi biên giới, đánh bại một bước âm mưu xâm lược và nô dịch của Pháp, Mỹ đối với nước ta; (2) Giải phóng đất đai và dân cư do địch chiếm đóng, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc; (3) Mở đường liên lạc với quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ giúp đỡ của các nước đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Mục đích và hướng của chiến dịch được cụ thể hoá thêm là giải phóng một phần biên giới từ Cao Bằng đến Thất Khê (Lạng Sơn) tạo thành một khu vực rộng lớn có ý nghĩa chiến lược. Đông Bắc là hướng chính, Tây Bắc là hướng nghi binh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao-Bắc-Lạng và cho cả toàn quốc…Đồng bào ba tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch…Đồng bào hãy tiến lên làm kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi”. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thị sát trận địa, thăm hỏi các chiến sĩ từ các mặt trận để động viên đồng bào chiến sỹ. Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh đánh Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra Sở chỉ huy tiền phương tại Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An) quan sát đồn Đông Khê để cùng Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo mọi công tác.
Trung ương đã cử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của quân đội vào chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam làm chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận; Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp phụ trách bảo đảm hậu cần, đồng chí Lê Liêm trực tiếp phụ trách công tác chính trị…
Trung ương Đảng, Chính phủ tập trung một lực lượng mạnh bao gồm Đại đoàn 308, hai trung đoàn bộ binh 209 và 174, một trung đoàn 95 pháo binh và nhiều tiểu đoàn và đại đội độc lập bộ đội địa phương tạo ra một ưu thế áp đảo địch trong toàn chiến dịch. Lương thực, thực phẩm chủ yếu là huy động tại chỗ trong nhân dân, nhân dân các địa phương tạm chịu thiếu thốn dành gạo nuôi quân chiến thắng.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức các lực lượng vũ trang, việc tăng cường học tập và rèn luyện chính trị cho quân đội, việc tuyên truyền tổ chức quần chúng nhân dân các dân tộc. Chiến dịch Biên giới đã nổ ra theo đúng kế hoạch và dành thắng lợi rất quan trọng.
Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Chiến dịch Biên giới Cao-Bắc-Lạng toàn thắng. Hoàn thành các mục tiêu do Trung ương đề ra. Kết thúc chiến dịch ta đã tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên địch, bằng 41% lực lượng cơ động chiến lược toàn Đông Dương, thu trên 3.000 tấn vũ khí, xe ô tô và quân trang, quân dụng của địch.
Chiến thắng Biên giới có ý nghĩa to lớn, ta giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất đai quan trọng trên dải biên giới dài 750km gồm 35 vạn dân. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã giáng một đòn nặng vào ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, đẩy quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động chiến lược; đồng thời tạo ra một chuyển biến căn bản cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đưa cuộc kháng chiến bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn quân và dân ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, chủ động mở các cuộc tiến công, phản công và giành được thắng lợi ngày càng to lớn hơn.
Những bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự rút ra từ Chiến dịch Biên giới đã được vận dụng thành công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này, đặc biệt nổi bật của sự kế thừa vận dụng và phát huy những kinh nghiệm về nghệ thuật chiến dịch tiến công của Chiến dịch Biên giới trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Nguyên Toàn quyền Đông Dương Catơru đã chua chát xác nhận: “Sự thất bại của quân đội Pháp tại biên giới Việt – Trung tháng 10/1950 đã có ảnh hưởng quyết định đến số phận của Đông Dương và Điện Biên Phủ sau này đã phải chịu ảnh hưởng đó”
Sáng ngày 3/10/1950 tại Thị xã Cao Bằng, thực dân Pháp hoảng sợ, rút chạy về hướng Đông Khê, sau đó bị quân dân ta tiêu diệt hoàn toàn. Đối với Cao Bằng, ngày 3/10/1950 là ngày sạch bóng quân xâm lược Pháp, Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng – đã trở thành ngày chiến thắng, ngày hội truyền thống kỷ niệm hàng năm của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Chiến thắng đường số 4 và Chiến dịch Biên giới. Kỷ yếu hội thảo khoa học tháng 9-2000