Chặng đường Asean và dấu ấn Việt Nam

Thứ ba - 23/08/2016 23:24
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 08/8/1967 trên cơ sở Tuyên bố Bangkok, với 5 nước thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau hơn 40 năm tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, vào ngày 22/11/2015, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra ở Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt bút ký văn kiện lịch sử Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó nêu rõ “Sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, bảo đảm hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung”. Trên chặng đường lịch sử gần nửa thế kỷ ấy, Việt Nam tự hào với những dấu ấn đóng góp quan trọng vào thành công chung của ASEAN.
Cộng đồng ASEAN 2015: Mô hình cao nhất của hợp tác khu vực
         
Trước hết, cần phải khẳng định Cộng đồng ASEAN 2015 ra đời là bước chuyển mới về chất của một ASEAN gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển thịnh vượng chung. Đây là kết quả của gần nửa thế kỷ phấn đấu bền bỉ vươn lên. Từ Tuyên bố Bangkok 1967 đến Tầm nhìn ASEAN 2020, từ Hiệp ước TAC đến Hiến chương ASEAN, từ Tuyên bố Hòa hợp Bali II đến Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên luôn nỗ lực không ngừng vì sự phát triển và thành công của ASEAN. Tổng hòa của các nỗ lực đó đưa đến sự hình thành cộng đồng, cho thấy quá trình trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN từ một tổ chức còn rất khiêm tốn ở Đông Nam Á trở thành một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột về chính trị- an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội với vai trò và vị thế ngày càng cao ở trong khu vực và trên thế giới. 

Nhìn lại từng bước tiến trong hơn 4 thập kỉ qua, việc ASEAN ý thức được cần sớm hiện thực hóa ý tưởng về cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là một quyết sách chiến lược thức thời, một con đường đúng đắn đã lựa chọn. ASEAN có đặc thù là tập hợp của những thành viên hết sức đa dạng, từ vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, đến chế độ chính trị, truyền thống văn hóa và trình độ phát triển lại tồn tại trong môi trường cạnh tranh thường xuyên giữa các nước lớn với những tác động thuận nghịch khó lường. Hơn nữa là sự xuất hiện và gia tăng phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự ứng phó và xử lý. Trong bối cảnh đó, tăng cường liên kết chặt chẽ và sâu rộng là nhu cầu bức bách đặt ra cho ASEAN để bảo đảm cùng tồn tại trong hòa bình, phát triển trong ổn định và thịnh vượng trong hài hòa của tất cả các nước thành viên. 

Có thể nói, hợp tác ASEAN là một quá trình tiệm tiến, từ mức độ thấp đến cao, từ các vấn đề chung đến cụ thể, từ không chính thức đến chính thức và thể chế hóa với mục tiêu xuyên suốt là một tầm nhìn chung. Trong dòng chảy đó, xây dựng Cộng đồng ASEAN được xác định là một quá trình tiếp diễn và lâu dài, đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại những lợi ích cụ thể thiết thực cho cả khu vực và từng nước thành viên mà bao trùm là giữ được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển và thịnh vượng. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu ấn lịch sử, ghi nhận một chặng đường phấn đấu không mệt mỏi của ASEAN, đồng thời chuẩn bị nền tảng, định hướng và khuôn khổ cho ASEAN vững tin bước vào giai đoạn mới- giai đoạn củng cố vững mạnh Cộng đồng hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn. 

Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN: Dấu ấn Việt Nam

Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực nói chung mà riêng với Việt Nam, ý nghĩa này còn được nhân lên bởi sự trùng hợp với dấu mốc tròn 20 năm Việt Nam gắn bó với Hiệp hội (1995-2015). Sự gắn kết giữa ASEAN và Việt Nam là một quá trình tương hỗ, mang lại lợi ích cho nhau. Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh và thành công chung của ASEAN được các nước ghi nhận.

Với Việt Nam, tham gia ASEAN là đột phá khẩu mở cánh cửa phá vỡ bao vây cấm vận và từng bước hội nhập vào đời sống khu vực và quốc tế. Trở thành thành viên ASEAN đã giúp thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hòa bình hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong khu vực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, tạo cho chúng ta những cơ hội và triển vọng mới phát triển đất nước. Tham gia ASEAN còn góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. 21 năm tham gia ASEAN chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập, từ giai đoạn học hỏi, làm quen để vượt qua những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu, đến hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một thành viên và tiến tới vị thế hiện nay là một thành viên chủ động, tích cực tham gia định hình "luật chơi chung". Có thể nói, các giai đoạn Việt Nam tham gia ASEAN luôn đồng hành, là một trong những cơ sở cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam.Tổng kết quá trình Việt Nam tham gia ASEAN, nhiều dấu ấn đóng góp quan trọng của Việt Nam luôn gắn liền với những bước tiến đầy ý nghĩa của ASEAN.

Đóng góp ấn tượng đầu tiên của Việt Nam phải kể đến là việc ta đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 tại Hà Nội năm 1998 chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN. Thời điểm đó, ASEAN đang bộn bề với những lo toan của hậu khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998, những chỉ trích, nghi ngờ về hiệu quả, thậm chí sự tồn tại của ASEAN. Với nỗ lực của các nước thành viên và đặc biệt là nước chủ nhà, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội và Chương trình Hành động Hà Nội, củng cố quyết tâm cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cũng tại Hội nghị, với việc áp dụng linh hoạt phương cách ASEAN, Việt Nam đã thành công thúc đẩy quyết định kết nạp Campuchia làm thành viên thứ 10, hiện thực hóa giấc mơ đoàn kết cả 10 quốc gia Đông Nam Á dưới một mái nhà chung, đặt viên gạch đầu tiên cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Diễn ra vào những năm cuối của thế kỷ 20, Hội nghị đã chuyển tải thông điệp về sức sống mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết của ASEAN, đưa ASEAN vững bước vào thế kỷ 21. Ba năm tiếp theo, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2000-2001, chúng ta đã thúc đẩy và đưa nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển trở thành một ưu tiên hàng đầu và thường xuyên của ASEAN với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội 2001 về thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong quá trình xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển là bước đi quan trọng để hỗ trợ các nước thành viên hội nhập đầy đủ, hiệu quả và mang lại thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Tiếp đà những thành công đó, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng, đến kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường. Vai trò của Việt Nam được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn của ASEAN như Tuyên bố Hòa hợp Bali II (2003), Chương trình Hành động Viên-chăn (2004), Hiến chương ASEAN (2007), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015). Đáng chú ý nhất đánh dấu sự trưởng thành vững vàng và được các nước đánh giá cao là Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010. Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, ta đã chủ động dẫn dắt, đưa bộ máy mới của Hiệp hội sau Hiến chương ASEAN vận hành trôi chảy, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng theo hướng thực thi và thực chất. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng được mở rộng với việc lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra tới 10 Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác, đưa ra nhiều định hướng lớn cho hợp tác và phát triển ở khu vực, trong đó có quyết định về việc mời Nga và Mỹ tham gia EAS. Với những dấu ấn đó, năm 2010 được xem là năm bản lề quan trọng của ASEAN trong hành trình liên kết khu vực.

Phát huy thành công của năm 2010, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai các trọng tâm, ưu tiên hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, là một trong những nước thực hiện đầy đủ nhất các nghĩa vụ và cam kết trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng và triển khai các văn kiện và quyết sách chiến lược của ASEAN trong giai đoạn mới như Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu (2011), Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi (2011), Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (2012) và gần đây nhất là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành sẽ đưa ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới, năng động hơn và thực chất hơn. Một ASEAN liên kết sâu rộng chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại cho các nước thành viên và khu vực nhiều lợi ích to lớn và thiết thực hơn. Tiếp tục phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình vì tương lai một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh./.

Tác giả: admin

Nguồn tin: Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay9,811
  • Tháng hiện tại176,261
  • Tổng lượt truy cập7,783,123
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây