Giữa những năm 1960, cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Miền nam Việt Nam đang từng bước lan rộng ra toàn cõi Đông Dương. Nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia vốn có truyền thống đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nay lại một lần nữa kề vai sát cánh ủng hộ lẫn nhau đê chống Mỹ; tại Hội nghị cấp cao Nhân dân ba nước Đông Dương lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 01 đến 09/3/1965, theo sáng kiến của Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk, là một biểu hiện sinh động. Sau Hội nghị này, mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu ngày càng được tăng cường, hai bên ủng hộ và công nhận lẫn nhau.
Việt Nam công nhận và tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại. Campuchia đứng hẳn về phía Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam (trước đó, ngay từ tháng 8/1963, Vương quốc Campuchia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn).
Trung tuần tháng 6/1967, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và Quốc trưởng Norodom Sihanouk có thư trao đổi về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 24/6/1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó ít ngày, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam đã thiết lập cơ quan đại diện thường trực tại thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Campuchia đã tạo cơ sở pháp lý và niềm tin để khích lệ nhân dân hai nước tiếp tục tăng cường hơn nữa tình đoàn kết chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà cuối cùng đều giành được thắng lợi vào tháng 4/1975 lịch sử.
Sau thắng lợi ngày 17/4/1975, trái với mong đợi của nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam, tập đoàn diệt chủng do Pol Pot (Pôn Pốt), Ieng Sary (Iêng Xa-ri), Khieu Samphan (Khiêu Xăm-phon), Nuon Chea (Nuôn Chia), Ta Mok (Tà Mốc), Ieng Thy Rith (Iêng Thi Rít) cầm đầu một mặt thực hiện chế độ diệt chủng đẩy dân tộc Campuchia vào nguy cơ bị diệt vong, đồng thời trở mặt đưa quân tấn công xâm lược Việt Nam.
Quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống giữa hai dân tộc bị tổn thương nặng nề, nhưng vẫn vượt qua thách thức để khẳng định chân lý “tối lửa tắt đèn có nhau” giữa hai nước láng giềng. Tình đoàn kết chiến đấu và mỗi quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống một lần nữa lại là bệ đỡ để nhân dân hai nước cùng sát cánh bên nhau, đập tan kẻ thù chung là tập đoàn diệt chủng Pol Pot.
Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh thần tốc, cứu đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi lịch sử vào ngày 7/1/1979.
Với thắng lợi lịch sử này, quan hệ láng giềng Việt Nam – Campuchia đã vượt qua được thử thách, phát triển lên một giai đoạn mới, gắn bó, tin cậy lẫn nhau.
Phát biểu nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 12/2013, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen) đã khẳng định: “Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giúp Campuchia giải phóng đất nước. Vì nhân dân, đất nước Campuchia mà Việt Nam đã chịu đựng hy sinh”.
Trải qua nửa thế kỷ, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực. Từ những năm 90, quan hệ hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo dấu ấn thông qua các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên.
Chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen năm 1998 tới Việt Nam được đánh giá là đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo quan hệ Việt Nam - Campuchia, bởi nhà lãnh đạo Campuchia đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp khóa II, cho thấy sự ưu tiên đối với Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Campuchia.
Trong khi đó, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới Campuchia năm 1999, lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu rộng các vấn đề cùng quan tâm và nhất trí phương châm phát triển quan hệ toàn diện lên tầm cao mới đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực.
Trong những năm qua, nhằm tiếp tục củng cố và phát huy quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, Việt Nam và Campuchia duy trì thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao.
Điển hình là các chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2012, 2014), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2010), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017),...
Về phía Campuchia là các chuyến thăm Việt Nam của Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk (2010), Quốc Vương Norodom Sihamoni (2012, 2015), Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Chia Sim (2008), Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin (2012, 2015, 2017), Thủ tướng Chính phủ Samdech Techo Hun Sen (2012, 2013, 2016, 2017),...
Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước theo đúng tinh thần phát biểu của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại cuộc hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam tháng 9/2012: “Campuchia và Việt Nam là hai nước không thể tách rời, mối quan hệ quý báu giữa hai nước cần được phát huy trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước”.
Song hành với các hoạt động của lãnh đạo cấp cao hai nước, ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Campuchia cũng được tăng cường. Nổi bật là những hoạt động tích cực của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và thúc đẩy sự gắn kết giữa hai dân tộc láng giềng.
Ngoài ra, các địa phương của hai nước cũng đã tạo lập mối quan hệ gắn bó, nhất là với những tỉnh giáp biên giới. Hiện nay, hai nước đang phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực chào mừng “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017” và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia cũng được thúc đẩy, đem lại những lợi ích cho cả hai nước. Nếu trong những năm từ 1997 - 1999, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 130 - 150 triệu USD/năm, thì từ năm 2005 - 2009, kim ngạch thương mại hai nước tăng trung bình khoảng 30 - 40%/năm.
Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng trung bình có giảm so với giai đoạn trước, với mức tăng khoảng 18,5%, nhưng giá trị cụ thể cao.
Năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt 3 tỷ USD. Quý I/2017, kim ngạch hai chiều đạt trên 1 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện nay, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 5 trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia với 183 dự án, tổng vốn đăng ký là 2,86 tỷ USD. Campuchia có 12 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 54 triệu USD, đứng thứ 49 trên tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia . Tại kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban hỗn hợp hai nước tổ chức tại Phnom Penh tháng 3/2017, hai bên nhất trí nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Hợp tác quốc phòng - an ninh nhằm đáp ứng tình hình và nhiệm vụ bảo vệ đi đôi với xây dựng đất nước là mong muốn chung của cả hai quốc gia. Quân đội Việt Nam và Campuchia thường xuyên trao đổi đoàn quân sự cấp cao, ký kết nhiều văn bản hợp tác.
Việc lựa chọn Campuchia là một trong những nước đầu tiên đến thăm trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng của Đại tướng Ngô Xuân Lịch và trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam của Trung tướng Phan Văn Giang một lần nữa khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.
Chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tia Banh tháng 1/2017 ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen tới Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ quốc phòng - an ninh hai nước.
Việt Nam và Campuchia còn quan tâm thúc đẩy hợp tác về giáo dục - đào tạo, du lịch... Tính đến đầu năm 2017, gần 4.000 sinh viên Campuchia đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Liên tiếp trong 8 năm (từ năm 2009 - 2017), Việt Nam luôn đứng đầu về số khách du lịch nước ngoài đến Campuchia.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Campuchia không chỉ dừng lại ở cấp độ song phương, hai nước còn hợp tác, gắn bó và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường hợp tác với các nước trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Ủy hội sông Mekong (MRC),
Tam giác Phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) và hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS)… Đồng thời, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, ASEM và các diễn đàn quốc tế khác.
Tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia đã được tôi luyện qua những năm đấu tranh giành độc lập, tự do, đánh đổ tập đoàn diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia luôn sát cánh cùng nhau hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, chân thành hỗ trợ nhau cùng phát triển. Campuchia hòa bình, phát triển thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á ổn định và phát triển cũng chính là lợi ích của Việt Nam.
Nhằm giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, hai bên cần làm hết sức mình, chân thành giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua thử thách khó khăn để cho mối quan hệ này ngày càng tốt đẹp, vì lợi ích tối cao của nhân dân mỗi nước.
Bên cạnh đó, cần cảnh giác và ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch cả bên trong và bên ngoài đã và đang sử dụng văn hóa “bôi nhọ” và “vu khống” tìm cách xuyên tạc lịch sử của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước, cũng như âm mưu kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, kỳ thị dân tộc, phủ nhận sự thật về quan hệ đoàn kết chiến đấu chung một chiến hào, tương trợ giữa hai nước trong cuộc đấu tranh chung chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và chế độ diệt chủng Pol Pot.
Nhân dân hai nước cần chung nhận thức, cùng có trách nhiệm duy trì ổn định quan hệ hai nước, bảo vệ vun đắp tình hữu nghị quý báu, vì hòa bình, ổn định của nhân dân mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.
Tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia là nhu cầu lợi ích tự nhiên của cả hai bên. Với lịch sử đoàn kết gắn bó, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau vô tư, trong sáng và có hiệu quả trong suốt nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong thời gian tới.
Lãnh đạo và nhân dân hai nước đã khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị cao đẹp, hợp tác song phương phát triển toàn diện, bền vững lâu dài. Với tinh thần như vậy, quan hệ Việt Nam – Campuchia chắc chắc sẽ được nâng lên tầm cao mới, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017
Quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam là một điển hình, một hình mẫu hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông xây dựng, vun đắp và đã được các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân dân hai nước tiếp tục củng cố, phát triển. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần khẳng định quyết tâm tiếp tục bảo vệ, phát triển và nâng tầm mối quan hệ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi bên; đồng thời dành cho nhau ưu tiên, ưu đãi hợp lý, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngày 05/9/1962 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của hàng triệu người Lào, người Việt Nam, bởi cũng năm này, sau những thắng lợi giòn giã trên mặt trận quân sự và ngoại giao, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào đã được ký kết, hai nước đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng Việt Nam – Lào, luôn cùng kề vai sát cánh, gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự phối hợp, giúp đỡ vô tư, chí tình giữa hai nước, hai dân tộc là nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Ðã có biết bao tấm gương chiến đấu, hy sinh của hàng triệu người con Lào và Việt Nam, nhiều người ngã xuống, vì độc lập, tự do của mỗi nước, vì tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào. Sự hy sinh cao đẹp và vô cùng to lớn đó trở thành sức mạnh vô song, nguồn động lực lớn lao, góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Sau thắng lợi năm 1975, hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam và Lào, quan hệ hai nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, độc lập và chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt đó, ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trong đó, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác là hiệp ước toàn diện mang tính chiến lược lâu dài giữa hai nước. Trong đó, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác là hiệp ước toàn diện mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng nhằm củng cố và tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hai nước, càng khẳng định được rằng tình đoàn kết đặc biệt thủy chung và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước. Định hướng cơ bản của chiến lược hợp tác giai đoạn 2011 – 2020 là: “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trở thành động lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đều có các cuộc gặp mặt chính thức giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Hoạt động ngoại giao nhân dân cũng được tăng cường. Quan hệ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Hai bên đã phối hợp và biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam từ 1930 – 2017, đúc kết bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới. Vừa qua, hai nước đã hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo, xây dựng hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, ký kết 02 văn kiện quan trọng Nghị định thư về đường biên giới và mốc biên giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu vào ngày 16/3/2016…
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó tập trung chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chế độ dân chủ nhân dân ở Lào, phá hoại mối quan hệ đặc biệt và sự hợp toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Vì vậy, hai bên cần tăng cường hợp tác trong công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực, phối hợp và trao đổi kinh nghiệm đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bác bỏ luận điệu xuyên tạc quan hệ Việt Nam – Lào, bảo vệ sự trong sáng của mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào hiện nay.