Được kết nạp Đảng tại mặt trận

Thứ hai - 08/04/2024 22:26
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ của cựu chiến binh, Thiếu tá Nguyễn Đình Cát, 90 tuổi, ở xóm Xuân, thôn An Điền Xuân, xã Cộng Hòa (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là được kết nạp Đảng tại Mặt trận Điện Biên Phủ ngày 2-5-1954.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảngtặng cựu chiến binh Nguyễn Đình Cát.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảngtặng cựu chiến binh Nguyễn Đình Cát.

Sáng 2-2-2023, tôi nhận được điện thoại từ gia đình thông báo: 14 giờ cùng ngày, đoàn công tác của Tỉnh ủy Hải Dương do đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dẫn đầu, đến tận nhà trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho ba tôi-cựu chiến binh, Thiếu tá Nguyễn Đình Cát. Tôi được giải thích là do ba tôi tuổi cao, sức yếu nên Tỉnh ủy quyết định trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng trước hạn một năm.

Thiếu tá Nguyễn Đình Cát kể: “Tôi sinh năm 1933, nhập ngũ tháng 6-1952. Hồi ấy, toàn huyện Nam Sách là vùng quân Pháp tạm chiếm nên việc nhập ngũ phải bí mật. Sau khi được du kích và bộ đội địa phương dẫn đường, chúng tôi được bàn giao, biên chế vào Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Do đã học xong tiểu học nên tôi được chọn về Đại đội Thông tin 19, trực thuộc Trung đoàn 98. Sau khi hoàn thành đợt huấn luyện chiến sĩ mới, tháng 10-1952, tôi cùng đơn vị hành quân tham gia Chiến dịch Tây Bắc. Đại đội Thông tin 19 hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch”.   

Tháng 3-1953, chiến sĩ trẻ Nguyễn Đình Cát được chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ chuyển công văn hỏa tốc tới Tiểu đoàn 215 thuộc Trung đoàn 98 đang đóng quân ở một địa điểm bí mật, cách Đại đội Thông tin 19 khoảng 8km đường rừng. Công văn do Trung đoàn trưởng Vũ Lăng ký ở phong bì và hẹn giờ giao cho đơn vị trước 4 giờ sáng hôm sau. Xuất phát từ 7 giờ tối, chỉ một mình với khẩu tiểu liên MAT-49 chiến lợi phẩm cùng chiếc địa bàn, Nguyễn Đình Cát xuyên rừng, vượt đèo, lội suối, dò đường đi và tránh địch sục sạo, hoàn thành nhiệm vụ trước hạn 30 phút. Sau nhiệm vụ này, Nguyễn Đình Cát được Đại đội trưởng Đại đội Thông tin 19 Đào Văn Tề biểu dương và chi bộ đại đội bồi dưỡng, trở thành đối tượng kết nạp Đảng.

Từ giữa năm 1953 đến tháng 1-1954, Trung đoàn 98 cơ động làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, vừa huấn luyện, làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị, vừa thực hành chiến đấu, đánh địch ở dọc tuyến sông Nậm Hu; tham gia Chiến dịch Thượng Lào; đánh cứ điểm Mường Khoa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày nay) và chuẩn bị mọi mặt tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thiếu tá Nguyễn Đình Cát nhớ lại: “Chiều 25-1-1954, gần đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, toàn Trung đoàn đã hành quân đến vị trí xuất phát tiến công và chiếm lĩnh trận địa. Đại đội Thông tin 19 chúng tôi đã thiết lập mạng đường dây từ Sở chỉ huy Trung đoàn đến các tiểu đoàn bộ binh và các đơn vị hỏa lực tăng cường, phối thuộc. Toàn mạng liên lạc thông suốt, chỉ chờ lệnh nổ súng thì Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba điện thoại trực tiếp cho Trung đoàn trưởng Vũ Lăng truyền lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch cho rút quân về vị trí tập kết phía sau. Lúc đó, tôi phụ trách tổng đài 10 số ở Sở chỉ huy Trung đoàn, cho nối máy đến các đơn vị truyền mệnh lệnh trên”.
 

Sau khi rút về vị trí tập kết, cán bộ đơn vị nắm tư tưởng của bộ đội, phổ biến việc thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và tiếp tục chuẩn bị chiến đấu. Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. “Qua các đợt chiến dịch, Đại đội Thông tin 19 chúng tôi luôn bảo đảm tốt thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ huy của Trung đoàn và hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị.

Sáng 1-5-1954, tổ thông tin do tôi phụ trách, gồm 4 chiến sĩ, bảo đảm thông tin cho các đơn vị của Trung đoàn đánh địch ở các cứ điểm C1, C2. Đến buổi chiều cùng ngày, Đại đội trưởng Đào Văn Tề điện cho tôi về Ban chỉ huy Đại đội và điều đồng chí khác lên thay. Ngày 2-5-1954, Chi bộ Đại đội do đồng chí Nguyễn Văn Túc, Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đại đội Thông tin 19 chủ trì Lễ kết nạp Đảng cho tôi ở ngay hầm chỉ huy của Đại đội”, cựu chiến binh Nguyễn Đình Cát tự hào kể.

Sau khi được kết nạp Đảng, Nguyễn Đình Cát tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho Trung đoàn, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954. Chiến dịch kết thúc, Nguyễn Đình Cát được Trung đoàn lựa chọn vào đội hình của Đại đoàn 316 tham gia cuộc mít tinh mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức ở Mường Phăng ngày 13-5-1954 và được Bác Hồ tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”...  

Tác giả: Nguồn: Sự kiện và nhân chứng

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay4,917
  • Tháng hiện tại155,722
  • Tổng lượt truy cập7,974,583
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây