Đã có không biết bao nhiêu thế hệ thanh niên Việt Nam hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc thân yêu, nhất là khi nền độc lập, tự do của nước nhà bị xâm phạm, kẻ thù giày xéo non sông, nhân dân chịu cảnh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm sâu tai vạ” (Bình Ngô đại cáo-Nguyễn Trãi).
Với sức trẻ “dời non lấp bể”, thanh niên luôn nghe theo lời hiệu triệu, nhất tề siết chặt đội ngũ, quyết chiến đấu, hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là đặc trưng văn hóa tiêu biểu, tinh thần ái quốc nồng nàn của thanh niên Việt Nam.
Trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp đô hộ, việc kêu gọi và tập hợp thanh niên đứng lên giành độc lập là giải pháp hàng đầu. Năm 1885, Vua Hàm Nghi đã ra chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân đứng lên phò vua giúp nước, giành lấy nền độc lập. Hàng vạn thanh niên Việt đã được tập hợp vào các nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu để tổ chức khởi nghĩa vũ trang. Tiêu biểu có Cao Thắng (1864-1893). Năm 21 tuổi, ông đã cùng bạn tập hợp khoảng 60 thanh niên gia nhập nghĩa quân của Phan Đình Phùng. Năm 23 tuổi, ông được Phan Đình Phùng giao quyền tổng chỉ huy. Ông cũng chính là người quyết định chế tạo súng trường kiểu Pháp và đã thành công.
Đầu xuân 1927, nhân dịp học sinh Trường Quốc học và Trường Nhà dòng Huế đến mừng thọ 60 tuổi, Phan Bội Châu đã làm bài thơ đáp từ cháy gan ruột: “Ai hữu trí từ nay xin gắng gỏi/ Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần/ Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn/ Đúc gan sắt để dời non lấp bể/ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ/ Mới thế này là mới hỡi chư quân/ Chữ rằng “nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Bài ca chúc Tết thanh niên).
Từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt trong phong trào cách mạng, giác ngộ quần chúng, truyền ngọn lửa yêu nước tới mọi tầng lớp nhân dân. Ở thời kỳ này, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài hát “Tiếng gọi thanh niên” với những ca từ sục sôi:
“Này anh em ơi tiến lên đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng nhau ra đi sá gì thân sống
Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên....
Này sinh viên ơi đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối
Kìa non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên
Nào anh em Bắc Nam cùng nhau ta kết đoàn”
Nhưng có lẽ, nhạc phẩm “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước mới là đại diện xứng đáng cho chất văn hóa, thể hiện hào khí thanh niên con Lạc cháu Hồng. Bài hát như lời hiệu triệu, thúc giục thế hệ trẻ tham gia giải phóng dân tộc. “Lên đàng" được phổ biến rộng rãi trong thanh thiếu niên, học sinh và trở thành bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Đến nay, nhạc phẩm này vẫn sống mãi trong trái tim bao thế hệ trẻ người Việt.
"Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng
Ta người Việt Nam
Nhìn tương lai huy hoàng
Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang”.
Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, thanh niên chính là thành phần chủ lực để xây dựng lực lượng vũ trang và kháng chiến kiến quốc. Thanh niên có mặt ở tuyến lửa, ở những nơi ác liệt nhất để đáp lời sông núi. Tháng 3-1951, khi đến thăm Liên phân đội 312 thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tại Nà Cù (Bắc Kạn), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng 4 câu thơ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Tiếp đó, có hàng nghìn tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong thời kỳ này mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, dẫn dắt thanh niên cống hiến tuổi trẻ cho mùa xuân cách mạng. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế chăng). Lê Anh Xuân khắc họa một dáng đứng của anh giải phóng quân: “Chợt thấy anh giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn/ Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công” (Dáng đứng Việt Nam).
Ở thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên là đội hậu bị tin cậy, cánh tay phải của Đảng, là rường cột của nước nhà. Thanh niên đã tích cực tham gia các hoạt động xung kích, tình nguyện trên tất cả lĩnh vực. Các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều nhạc phẩm ca ngợi chiến sĩ áo xanh và những mùa hè tình nguyện. "Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời/ Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới/ Dù lên rừng hay xuống biển/ Vượt bão giông vượt gian khổ/ Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi” (Khát vọng tuổi trẻ-Vũ Hoàng). "Dù lên rừng hay xuống biển, dù vượt suối qua đèo dốc cao, thanh niên ta sẵn sàng đi tới xây cuộc đời mới. Những thành phố mới sẽ mọc lên, những con đường thênh thang rộng mở, nào Đoàn ta đi lên núi sông đang chờ" (Thanh niên vì ngày mai-Phạm Đăng Khương).
Tính đến nay, “Tháng thanh niên năm 2024”, sự kiện đánh dấu 20 lần Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động đã chuẩn bị khép lại với nhiều kết quả tốt đẹp. Nhờ những ca khúc, những bài thơ thúc giục khí thế cống hiến mà tuổi trẻ Việt Nam lên đàng xung kích, chẳng hề e ngại đường xa gian khổ.
Tuy nhiên, do hội nhập quốc tế phát triển, nhiều loại hình giải trí du nhập tràn lan, tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã hình thành lối sống công nghiệp trong thanh niên, khiến cho tinh thần lên đàng, xung kích trong thanh niên đôi lúc mang tính hình thức, mùa vụ. Tình trạng thanh niên, trẻ vị thành niên phạm tội nguy hiểm, phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao có chiều hướng gia tăng ở cả thành phố lớn và một số khu vực nông thôn; tỷ lệ thanh niên nghiện ma túy ngày càng tăng, đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối. Thái độ sống thờ ơ, vô cảm, chạy theo đồng tiền và lệch chuẩn trong thanh niên đã rơi vào trạng thái báo động đỏ. Đặc biệt, có lãnh đạo cấp cao đã chỉ ra thực trạng một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa; bị các thế lực xấu, thù địch lôi kéo đã có những việc làm đi ngược lại bản chất truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc... đã cho thấy nhiều vấn đề cần bàn trong công tác thanh niên.
Trong bài “Tỉnh hồn ca I” do Phan Chu Trinh viết, có những nội dung đáng để thanh niên thời nay lưu tâm: Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là "đầy tớ" của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng...
Điều này đã cho thấy, việc tập hợp thanh niên hướng tới tinh thần làm chủ, tràn đầy khát vọng cống hiến, sống đẹp, có ích giúp đời là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đòi hỏi tổ chức đoàn các cấp phải năng động và đổi mới, thiết kế các chương trình hoạt động sát hợp tâm lý lứa tuổi. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động tuyên truyền pháp luật, giúp xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống thiên tai, bão lụt... mà cần thiết kế, tổ chức các hoạt động đa dạng, đi vào chiều sâu, thiết thực và nâng lên một tầm cao mới. Cần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự học trong thanh niên, sinh viên; cổ vũ mạnh mẽ thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học-công nghệ; thúc đẩy thanh niên hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm tinh xảo, mang hàm lượng giá trị cao.
Nói đến thanh niên là nghĩ đến sức trẻ, ưa hành động, thích cái mới. Lên đàng, tức là đưa thanh niên vào các hoạt động có định hướng tư tưởng rõ ràng, hữu ích cho cộng đồng xã hội, cho nước nhà. Đây cũng là thời cơ để thanh niên thể hiện tinh thần cống hiến, phát huy sức trẻ, sức sáng tạo, đẩy lùi sức ỳ và đào thải thứ văn hóa hưởng thụ, độc hại. Lên đàng chính là điều kiện để phát huy văn hóa cống hiến trong thanh niên Việt Nam mà các vị tiền bối đã đặt nền móng và dày công xây dựng.
Tác giả: Nguồn: Báo quân đội nhân dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn