Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

Thứ sáu - 17/11/2023 23:21
Ngày 16/11, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)”.
Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, luật sư, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp, cơ quan xét xử và những người làm thực tiễn ở khu vực phía nam có thể trao đổi, chia sẻ và đưa ra các góp ý, đề xuất nhằm hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, an sinh xã hội được xem là một trong những cấu thành quan trọng để mỗi quốc gia phát triển việc làm bền vững.

Sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế-xã hội trong thời gian qua đã và đang tác động rất lớn đến hệ thống bảo hiểm xã hội. Làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong những năm gần đây là một ví dụ điển hình, là vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại.

Sau thời gian thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, có thể thấy đến nay một số quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc không còn phù hợp với thực tế.

Nhất là sau khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành thì các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng phải được sửa đổi để bảo đảm tính tương thích, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật lao động Việt Nam.

Tại hội thảo, các nhà chuyên môn, chuyên gia pháp lý cho rằng, trong các chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội được xác định là trụ cột, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi họ gặp rủi ro; phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và người lao động; đồng thời, giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Trong thời gian tới, việc cải cách bảo hiểm xã hội không thể xuất phát duy ý chí từ mệnh lệnh hành chính mà cần căn cứ trên tổng thể nhiều tiêu chí, bao gồm: Loại hình nhà nước, thể chế chính trị; điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; yếu tố văn hóa...

Đề cập đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, có chuyên gia đề xuất, xét trong bối cảnh của nước ta hiện tại thì việc bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi cho người lao động bị mất việc làm nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt cho người lao động có tính khả thi hơn.

Thay vì cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết các nhu cầu thiết yếu như kinh nghiệm pháp luật của một số quốc gia, chúng ta có thể nghiên cứu giải pháp về chính sách ưu đãi cho người lao động vay vốn tại các ngân hàng chính sách xã hội.

Cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội với một số năm nhất định (trên 5 năm) mà bị mất việc làm có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi cho đến khi quay lại tham gia bảo hiểm xã hội.

Vấn đề tuyên truyền về các quy định bảo hiểm xã hội cho người dân, người lao động cũng được các đại biểu tập trung thảo luận. Cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, trong khi phần lớn người lao động chưa hiểu hết ý nghĩa an sinh xã hội của bảo hiểm xã hội, dẫn đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng nhiều. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa của bảo hiểm xã hội đồng bộ hơn nữa.

Nguồn tin: Tuổi trẻ với Pháp luật

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay5,767
  • Tháng hiện tại180,327
  • Tổng lượt truy cập7,548,861
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây