Công chức cấp xã có 6 chức danh
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, công chức cấp xã gồm các chức danh: (1) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; (2) Văn phòng - thống kê; (3) Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); (4)Tài chính - kế toán; (5)Tư pháp - hộ tịch; (6)Văn hóa - xã hội.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, công chức cấp xã gồm các chức danh: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Trưởng công an xã, Văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (với phường, thị trấn) hoặc là địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (với xã); tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hoá - xã hội.
Như vậy, từ ngày 01/8/2023, công chức cấp xã sẽ không còn chức danh Trưởng Công an xã. Quy định này nhằm phù hợp với Nghị định 42/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã
Nghị định quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:
Đối với phường: Loại I là 23 người; loại II là 21 người; loại III là 19 người;
Đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người; loại II là 20 người; loại III là 18 người.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP, số lượng công chức được bố trí theo quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm cả xã, phường, thị trấn) gồm: Loại 1 tối đa 23 người; loại 2 tối đa 21 người và loại 3 tối đa 19 người.
Như vậy, quy định mới đã giảm 01 người trong tổng số lượng công chức xã, thị trấn do đã bố trí công an chính quy làm Trưởng Công an và ấn định cụ thể số lượng cán bộ, công chức theo từng loại xã hoặc phường (không còn giới hạn tối đa như trước đây).
Phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã
Nghị định bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm theo hướng: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức vụ, chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chức vụ, chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm được so với quy định.
Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.
Nghị định có hiệu lực từ 1/8/2023. Bãi bỏ các Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 về công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố./.
Lã Trang
Tác giả: Theo Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn