Nổi bật nhất là tại Đại hội lần thứ XII, lần đầu tiên Đảng ta đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một mặt cơ bản trong cấu trúc xây dựng Đảng, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt, đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.
Nói vậy để thấy, phạm trù đạo đức là một trong 5 trụ cột cơ bản (chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ) trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Với 5 trụ cột cơ bản, Đảng ta đã từng bước bồi dưỡng, rèn luyện được đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng lớn mạnh, hầu hết đều có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, gương mẫu, ý thức tổ chức kỷ luật và luôn nâng cao trình độ, năng lực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên luôn đi tiên phong, trở thành những người con ưu tú của dân tộc, là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lý tưởng và văn hóa cao đẹp của Đảng ta. Qua đó đã mang đến hiệu ứng lan tỏa to lớn, động viên, thuyết phục, giáo dục, lôi cuốn quần chúng nhân dân tin tưởng, đi theo Đảng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và dựng xây đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chưa kể, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Đáng phê phán hơn, vẫn còn những cán bộ làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến quyền lợi, bổng lộc cho riêng mình, mà quên đi thanh liêm, danh dự và đạo đức cách mạng của người đảng viên. Sai phạm của những người này đã bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, dư luận lên án nghiêm khắc.
Phân tích một cách thấu đáo sẽ thấy, nhiều trường hợp cán bộ có vi phạm kể trên có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn, thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, chưa thực sự mẫu mực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trước những vấn đề đặt ra trong thực tiễn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đặc biệt là việc tạo dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời tiếp tục kế thừa, phát triển về nhận thức và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị toàn quốc mới đây quán triệt Quy định số 144-QĐ/TƯ, Chỉ thị số 35-CT/TƯ về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa” theo chuẩn mực đạo đức cách mạng”.
Quy định số 144-QĐ/TƯ là bước cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TƯ (ngày 25-10-2021) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.
Rõ ràng, quán triệt và thực hiện Quy định số 144-QĐ/TƯ, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống” trong xây dựng và thực hành đạo đức cách mạng. Để thực hiện hiệu quả quy định này, Bộ Chính trị đề cao ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên bởi đạo đức cách mạng là gốc, nền tảng. Đây cũng chính là một trong những giải pháp trọng tâm nâng cao ý thức về bổn phận, đạo lý, phát huy trách nhiệm nêu gương, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên trong mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Và hơn thế, xây dựng đạo đức cách mạng chính là phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Điều này có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn đối với những biểu hiện mới, ngày càng tinh vi, phức tạp của tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Chỉ khi cán bộ, đảng viên nhận thức và hành động đúng đắn, chuẩn xác các chuẩn mực đạo đức cách mạng mới tạo nên sự thống nhất cao, sức mạnh to lớn của toàn Đảng, đẩy lùi những nhận thức sai trái ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng; từ đó có ý chí, nhận thức và hành vi đạo đức cách mạng đúng đắn, trong sáng, tinh thần phụng sự, cống hiến vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự tiến bộ của nhân loại.