Người “khơi nguồn” phong trào khởi nghiệp cho phụ nữ địa phương
Mô hình liên kết trồng rau an toàn xã Chu Trinh là một trong những mô hình khởi nghiệp điển hình của Thành phố, trong đó có sự tham gia trực tiếp, tích cực của chị Hoàng Thị Đương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chu Trinh - người đã “khơi nguồn” phong trào khởi nghiệp cho phụ nữ tại địa phương.
Tháng 6/2018, mô hình liên kết trồng trên 2.000 m2 rau an toàn xã Chu Trinh bắt đầu hoạt động. Nhờ sự cần cù, ham học hỏi và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của nhóm trưởng Đương cùng 24 thành viên chăm sóc rau theo quy trình kỹ thuật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phun thuốc kích thích rau. Mô hình rau đã cho thu hoạch theo mùa, thị trường tiêu thụ ổn định tại địa bàn Thành phố, đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Mô hình góp phần làm thay đổi từ nhận thức tới hành động về việc sản xuất rau an toàn của người dân, các hộ tham gia mô hình đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân chuồng được ủ hoai mục; việc thực hiện các kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn đã làm hạn chế đáng kể những tác động xấu đến môi trường, giảm ảnh hưởng các loại thuốc bảo vệ thực vật dùng cho rau; phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân; góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương.
Qua mô hình hoạt động hiệu quả đã “khơi nguồn”, lan tỏa phong trào vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp. Nhờ đó, nhiều hội viên phụ nữ xã đã vượt khó vươn lên, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ tham gia như: Mô hình phát triển chăn nuôi; mô hình liên kết trồng lúa chất lượng cao…
Cô giáo trẻ đam mê khoa học
Với lòng đam mê sáng tạo cùng sự nhiệt huyết, yêu nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1987), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quý Quân (Hà Quảng) dạy môn Vật lý và Công nghệ đã tạo dấu ấn ở việc hướng dẫn nhiều học sinh tạo nên những sản phẩm, đề tài đoạt giải trong các cuộc thi về khoa học kỹ thuật các cấp trong ngành giáo dục và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh. Trong năm học 2018 - 2019, cô giáo Hạnh đã hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài “Hệ thống làm sạch nước sinh hoạt” đoạt giải tư trong Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh. Đề tài còn được cô giáo Hạnh và các em học sinh thực nghiệm thực tế tại trường và đã biến nước bị nhiễm phèn, bẩn, có mùi trở thành nước sạch phục vụ nhu cầu trong trường.
Hệ thống lọc nước được cấu tạo từ các vật liệu, gồm: Các cột ống nhựa dẫn nước với các tiết diện khác nhau, vật liệu lọc nước là than hoạt tính, cát thạch anh, vỏ trấu, hạt nhựa catio, hạt xốp…; hệ thống lọc RO gồm 1 cột lọc và 1 củ lọc RO có chức năng lọc sạch nước để cho nước tinh khiết có thể uống trực tiếp. So với các máy lọc nước hiện nay trên thị trường, “Hệ thống làm sạch nước sinh hoạt” có những ưu điểm phù hợp với địa phương, như: Không tốn điện; hệ thống đơn giản dễ tháo lắp, vệ sinh, gọn nhẹ; tốc độ lọc nhanh; kinh phí thấp…
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quý Quân Đàm Văn Tuyên cho biết: Bước đầu “Hệ thống làm sạch nước sinh hoạt” đã giúp cho nhà trường làm sạch nguồn nước trong mùa mưa lũ. Bằng tâm huyết với nghề, cô giáo Hạnh đã tận tình hướng dẫn và đồng hành với niềm đam mê sáng tạo của các học sinh, mang vinh dự về cho nhà trường. Hy vọng thời gian tới, cô giáo Hạnh sẽ tiếp tục niềm đam mê khoa học, sáng tạo các sản phẩm hữu ích, tiếp tục gặt hái thêm nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật các cấp.
Chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, chị Lưu Thị Xuyên, xóm 5 Nam Phong, xã Hưng Đạo (Thành phố) với quyết tâm không cam chịu đói nghèo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển một số khu ruộng hạn sang trồng cây ăn quả, trồng màu và đào cảnh. Ban đầu gia đình chị tận dụng trên 1.000 m2 khu đất vườn hạn để trồng rau màu và cây thanh long, hằng năm cho thu hoạch 3 vụ quả được trên 40 triệu đồng. Qua nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị trồng thêm đào cảnh và măng tây. Đến nay, gia đình chị đã có vườn đào trên 2.000 m2 với 400 gốc, hằng năm bán ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán; ngoài ra, chị đang trồng thử nghiệm cây măng tây cho thu hoạch hằng ngày để phục vụ các nhà hàng. Từ các cây trồng trên cho thu nhập bình quân 150 - 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, từ năm 2016, chị Xuyên được bầu làm Bí thư chi bộ xóm, chị luôn gương mẫu đi đầu triển khai, thực hiện các phong trào của xóm, chỉ đạo các đoàn thể trong xóm, thực hiện tốt các phong trào của các cấp Hội đề ra. Hằng năm chị được chi bộ đánh giá là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, gia đình nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa, được các cấp khen thưởng.
Góp phần gìn giữ, phát huy tinh hoa của dân tộc dao tiền
Từ năm 2017 đến nay, chị Triệu Thị Ním, dân tộc Dao Tiền, xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) là người có công đầu trong việc thành lập, duy trì hoạt động Xưởng thêu thổ cẩm truyền thống người Dao tại Nà Chắn với vai trò Tổ trưởng. Xưởng thêu đã và đang góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Tiền, tạo việc làm và thu nhập cho 17 lao động địa phương. Đặc biệt từ năm 2018, xưởng được chọn làm đối tác trong tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Do đó, khi có du khách tham quan, chị Ním và các thành viên luôn nhiệt tình hướng dẫn, giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc, kỹ năng, nghệ thuật làm trang phục truyền thống và các ấn phẩm thổ cẩm người Dao Tiền cho du khách.
Chị Ním chia sẻ: Trước nguy cơ mai một và giới trẻ không mặn mà với văn hóa truyền thống thì việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm chính là góp phần gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của tổ tiên để lại. Vì vậy, ngay từ những ngày thành lập xưởng cũng như duy trì các hoạt động đến hôm nay đều gặp không ít khó khăn, nhưng tôi và các thành viên sẽ tiếp tục cố gắng để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm truyền thống đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tổ chức truyền dạy cho những người chưa biết nghề, nhất là thế hệ trẻ.
Ông Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Hoạt động của Xưởng dệt thổ cẩm truyền thống phụ nữ Dao Tiền ở Nà Chắn đã góp phần bảo tồn và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Dao nói chung, giúp chị em có thêm việc làm, thu nhập lúc nông nhàn; Thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống.