Anh Thủy cho biết: Năm 2018, khi tham dự lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế do Hội Nông dân huyện tổ chức, được nghe giới thiệu về hiệu quả mô hình nuôi ếch ở các địa phương, tôi quyết định chọn vật nuôi này làm hướng phát triển kinh tế của gia đình. Ban đầu, tôi mua 1.200 con ếch giống nuôi thử nghiệm trên diện tích 24 m2 đất trống sau nhà, phía bên trên làm giàn cây bầu, bí leo để tạo bóng râm. Sau 75 ngày, lứa ếch thử nghiệm xuất bán, trung bình trọng lượng đạt 4 - 5 con/kg, trừ chi phí thu lãi 3 triệu đồng (1/2 đàn ếch bị chết do nuôi ếch vào mùa lạnh không thích hợp).
Rút kinh nghiệm từ nuôi lứa ếch đầu, tháng 6/2019, anh Thủy đổi mới cách thức nuôi ếch từ quây bạt nuôi trên cạn thành làm chuồng nuôi dưới ao, trên mặt nước anh nuôi ếch trong lồng lưới, dưới ao nuôi cá để tận dụng nguồn thức ăn thừa và phân ếch thải ra. Với cách làm này, anh mở rộng diện tích nuôi trên 80 m2 với 6.000 con ếch giống kết hợp thả 12 kg giống cá chép lai, số vốn bỏ ra trên 20 triệu đồng. Sau gần 3 tháng chăm sóc, anh bán đợt 1 được 30 kg ếch, thu về 2,7 triệu đồng.
Hiện nay, gia đình anh Thủy quây 2 bể lót bạt để nuôi các cặp ếch bố mẹ và 2 bể ươm tự gây con giống cho lứa nuôi tiếp theo. Với cách thức này, anh đã có 1.000 con ếch giống. Từ mô hình nuôi ếch của anh, 2 hộ hội viên nông dân của xã Nam Quang đến học tập kinh nghiệm, mỗi hộ nuôi thử nghiệm 500 con giống, hiện đàn ếch giống phát triển tốt.
Theo kinh nghiệm của anh Thủy, so với nuôi các vật nuôi khác thì nuôi ếch có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện địa phương (gần sông, suối). Có thể nuôi ếch trong lồng lưới, bể lót bạt hoặc bể xi măng; thời gian nuôi ếch ngắn, chi phí thấp hơn nhiều so với các giống thủy sản khác, thức ăn cho ếch dễ kiếm như thức ăn công nghiệp có sẵn, ốc bươu vàng, giun…; điều quan trọng là vệ sinh chuồng và nước ao sạch sẽ, đảm bảo bệnh trên ếch ít xảy ra, tỷ lệ hao hụt không đáng kể.