Cao Bằng là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, đâu đó trên những miền non cao, vùng sâu luôn xuất hiện hình ảnh những người giáo viên thầm lặng, gieo chữ chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão trong sự nghiệp trồng người. Tôi được biết đến cô giáo Bàn Thị Hải - người con dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh thuộc xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trong những năm 80, nơi đây chưa có trường học, khi đó mới lên 6 tuổi cô Hải rời xa vòng tay cha mẹ, đi học xa tại Trường Dân tộc Nội trú huyện Nguyên Bình. Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, cô đã sớm tự lập trong cuộc sống, tự giác trong học tập và rèn luyện, nỗ lực hiện thực hóa ước mơ. Cô tâm sự: “Từ ngày đó, tôi đã có ước mơ được làm cô giáo để đem cái chữ về dạy những em nhỏ ở quê hương mình”. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô Hải theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng chuyên ngành Sư phạm tiểu học. Năm 1998, cô trở về quê hương Nguyên Bình và dạy học tại nhiều điểm trường tại xã khó khăn.
Đến với Trường Tiểu học Thành Công, nơi cô đang công tác thuộc xã vùng III của huyện Nguyên Bình, tôi cảm nhận được tình yêu nghề, thương trẻ đầy ắp trên non cao. Trong 22 năm gắn bó với nghề, cô là giáo viên chủ nhiệm các lớp với đa số học sinh dân tộc thiểu số. Nhà các em đều xa trường, việc duy trì sĩ số và dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Biến những trở ngại thành động lực và tìm thấy những niềm vui trong việc dạy học, cô Hải đã không ngừng vận động, giúp đỡ nhiều học sinh được đến trường. Tại các xóm nhỏ ở xã Lang Môn, không khó để bắt gặp hình ảnh cô đến từng nhà học sinh nhiều lần đẻ chia sẻ, động viên, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bởi lẽ, trẻ em tại các tỉnh miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa luôn thiệt thòi hơn trẻ em miền xuôi, đa số bố mẹ các em đều không biết chữ, trình độ dân trí thấp, có phong tục tập quán lạc hậu, nên các em cần được quan tâm nhiều hơn.
Thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia với học sinh, phụ huynh, cô Hải tâm niệm: “Mỗi ngày vất vả, gian nan trong tôi sẽ vơi hết khi các em vui vẻ cắp sách đến trường và cũng không gì sánh bằng khi được chứng kiến những học trò của mình trưởng thành, khôn lớn. Dù là những địa bàn khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ nhụt chí mà càng thêm yêu nghề, thêm gắn bó với sự nghiệp gieo chữ trên non”.
Giống như bao thầy cô giáo khác, cô Hải vẫn luôn ngày đêm miệt mài trên trang giáo án, trèo đèo lội suối mang con chữ đến với trẻ em vùng cao. Với những cống hiến thầm lặng đó, cô Bàn Thị Hải vinh dự được là một trong 63 gương giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục Đào tạo, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức.