Khát vọng của cậu học trò nghèo
Hồ Thanh Tâm sinh ra, lớn lên tại miền quê nghèo xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Anh là con út trong gia đình có 5 anh chị em; bố mẹ là nông dân. Tuổi thơ của Tâm là những ngày ăn cơm độn khoai, sắn tới trường; buổi đi học, buổi ra đồng phụ giúp bố mẹ. “Những vất vả, thiếu thốn của gia đình, khiến tôi luôn có động lực phấn đấu học tập để giúp gia đình, quê hương thoát nghèo, và thực hiện hoài bão góp sức mình phát triển nền nông nghiệp nước nhà, ứng dụng khoa học công nghệ”, TS. Hồ Thanh Tâm chia sẻ.
Với hoài bão đó, Hồ Thanh Tâm thi đỗ vào ngành Công nghệ Sinh học tại trường Đại học Đà Lạt. Anh trai là người hỗ trợ tài chính, nuôi anh ăn học trong suốt những năm học đại học, cao học. Bản thân Tâm đi làm gia sư, làm thêm tại các nhà vườn ở Đà Lạt để có thêm ít tiền trang trải cuộc sống.
Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Đà Lạt, Hồ Thanh Tâm tiếp tục theo học cao học tại đây. Thời gian học cao học, anh được GS. TS Dương Tấn Nhựt (Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) hướng dẫn, khơi dậy niềm đam mê đến với khoa học. Đặc biệt, trong thời gian học cao học, Tâm may mắn được tham gia cùng GS. TS Dương Tấn Nhựt thực hiện dự án nhân giống vô tính và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu vô cùng quý hiếm của Việt Nam. Anh cùng GS. TS Dương Tấn Nhựt nhân giống thành công sâm Ngọc Linh, mang trồng tại Đà Lạt, Kon Tum.
Chưa bảo vệ thạc sĩ, Hồ Thanh Tâm đã xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn và đạt học bổng toàn phần chương trình đào tạo tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của giáo sư Park So Young, Đại học Quốc gia Chungbuk. Từ đây, con đường nghiên cứu khoa học của Tâm được rộng mở.
Vượt qua khủng hoảng
Những ngày đầu tiên ở “xứ sở Kim Chi”, đối với Hồ Thanh Tâm là những tháng ngày thử thách ý chí, lòng kiên nhẫn vượt qua khó khăn. Thử thách đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ. “Từ nhỏ, tôi sống ở vùng nông thôn, không có điều kiện, cơ hội để học, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ. Vì thế, thời gian đầu sang Hàn, tôi bị khủng hoảng, vì mình nói người ta không hiểu và ngược lại. Tôi phải dùng ngôn ngữ cơ thể, dùng điện thoại để dịch nên thời gian đầu giao tiếp rất khó khăn”, Tâm chia sẻ.
Tâm cấp tốc đi học ngoại ngữ và tập nói chuyện nhiều với mọi người. May mắn, GS. Park So Young và mọi người trong phòng lab thân thiện và tạo điều kiện cho anh hoàn thiện các kỹ năng còn thiếu. Nhờ đó, sau một thời gian ngắn, anh đã tự tin giao tiếp và làm việc.
Năm đầu, Tâm đi theo hướng nghiên cứu kiểm soát kích thước và màu sắc của Lan Hồ Điệp. Tuy nhiên, suốt 1 năm ròng, anh liên tục gặp thất bại, rất nhiều thí nghiệm không ra kết quả. “Tôi rơi vào stress trầm trọng. Nhiều lúc nhìn ra ngoài trời, tuyết rơi trắng xóa với cái lạnh thấu xương, tôi nhớ nhà quay quắt, bất giác muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng nhớ lại quyết tâm ngày xách ba lô lên đường, sự kỳ vọng của mọi người, tôi tự sốc lại tinh thần”, Tâm nhớ lại.
Từ năm thứ 2, Tâm chuyển sang nghiên cứu dược liệu và gặt hái được thành công. Một ngày của anh bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng thường kết thúc vào lúc 2,3 giờ sáng, nhiều hôm làm xuyên đêm. Ngày nghỉ của anh cũng chôn chân trên trong phòng thí nghiệm.
Bên cạnh nghiên cứu khoa học, Tâm có sở thích nấu ăn, trồng cây, đá bóng. Mỗi khi căng thẳng, anh vào bếp nấu nướng hoặc trồng rau. Trong suốt những năm học tập, làm việc tại Hàn Quốc, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, anh trồng đủ thứ rau củ, cung cấp cho cả xóm trọ.
Thời gian học tập và làm việc tại Hàn Quốc, Hồ Thanh Tâm đã tham gia 9 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Trong đó, nổi bật nhất là dự án “Industrialization Technology for the Mass Production of Functional Compounds from high-value Medicinal Crop Resources by using Bioreactor”. Đây là một dự án lớn thực hiện trong nhiều năm được tài trợ bởi Viện Quy hoạch và Đánh giá công nghệ trong Thực phẩm, Nông nghiệp và Lâm nghiệp Hàn Quốc (IPET). Dự án này nghiên cứu nhằm sản xuất những hợp chất quan trọng có giá trị về mặt y học cũng như thương mại từ các loại cây dược liệu như: nhân sâm, hà thủ ô đỏ, cây nhàu, rau má, hoa nón… Kết quả, dự án đã tạo ra một số sản phẩm thương mại như xà phòng tắm, sữa tắm, mặt nạ, cao sâm, .. và đang hoàn thiện các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng như dược phẩm.
Đặc biệt, TS. Hồ Thanh Tâm đã thành công trong sản xuất sinh khối và tăng cường tổng hợp hợp chất thứ cấp từ rễ tơ và rễ bất định cây hà thủ ô đỏ, một loại dược liệu quý, ở quy mô từ phòng thí nghiệm đến quy mô công nghiệp; đồng thời, thử nghiệm hoạt tính sinh học của chúng. Đây là đề tài được Hồ Thanh Tâm phát triển từ luận án Tiến sĩ. Liên quan đến nghiên cứu này, TS. Tâm đã có 6 công bố đều trên tạp chí ISI Q1. Nghiên cứu đã tạo ra được nguồn nguyên liệu có hoạt tính sinh học cao tương tự cây trồng ngoài tự nhiên, dùng để làm nguyên liệu cho sản xuất một số loại mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Trở về cống hiến
Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ và 2 năm làm việc ở Hàn Quốc tích lũy kinh nghiệm, tháng 1/2020, TS. Hồ Thanh Tâm quyết định trở về đầu quân cho Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Quyết định trở về, TS. Tâm dự kiến phải mất 3 năm để làm lại từ đầu, mức lương giảm 1/3 so với ở Hàn Quốc, cơ sở vật chất hạn chế hơn. TS. Tâm chấp nhận thử thách với khát vọng được cống hiến, được góp sức mình khẳng định trí tuệ Việt trên bản đồ thế giới. “Trong các hội nghị, công bố khoa học của tôi tại Hàn Quốc, bạn bè quốc tế không biết tôi là người Việt Nam. Tôi quyết định trở về với mong muốn, các công trình khoa học của tôi khi ra thế giới được mang tên Việt Nam, được làm các sản phẩm từ chính quê hương mình. Đó là niềm hạnh phúc, tự hào mà tôi luôn hướng tới”, TS. Hồ Thanh Tâm chia sẻ.
Trường ĐH Duy Tân đã có những chính sách đãi ngộ hợp lý và quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, giúp TS. Hồ Thanh Tâm có thêm điểm tựa để yên tâm cống hiến. Hiện anh đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, đồng thời, xây dựng nhóm nghiên cứu ngay tại Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu, ĐH Duy Tân để cùng nhau chia sẻ ý tưởng và thực hiện các công trình nghiên cứu trong thời gian tới.
Anh và nhóm nghiên cứu đang thực hiện các đề tài nghiên cứu theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng nhằm tạo ra những nguồn cây giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, anh cùng cộng sự tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất sinh khối và hợp chất thứ cấp từ nguồn cây dược liệu của Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… có giá trị cao, hữu ích cho cuộc sống.
Sau 2 năm trở về, TS. Hồ Thanh Tâm thực hiện được hàng chục công bố khoa học quốc tế và trong nước. Mới đây, anh xuất sắc đạt Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2020.