Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 và chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 15/5/1941, đồng chí Đàm Minh Viễn đã tổ chức thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc do Kim Đồng làm đội trưởng với 05 đội viên đầu tiên. Các đội viên đầu tiên được học thuộc lòng bài “Lịch sử nước ta” do Bác Hồ viết bằng văn vần để giáo dục lòng yêu nước cho thiếu nhi với những vần điệu sâu sắc:
“…Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”
Đây là những trang sử hào hùng của hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc được Bác đúc kết theo vần điệu vừa góp phần giáo dục thiếu nhi về lịch sử dân tộc vừa truyền thụ tinh thần anh dũng của nhân dân trong quá trình bảo vệ chủ quyền, bình yên của Tổ quốc. Dưới sự định hướng của Bác và sự dìu dắt của các đồng chí đoàn viên, những đội viên của Đội Nhi đồng cứu quốc đã không ngừng được bồi dưỡng tinh thần yêu nước nồng nàn, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm làm tốt nhiệm vụ cách mạng mà Đảng tin tưởng, giao phó.
Trong thời gian hoạt động tại hang Pác Bó, Bác Hồ đã trực tiếp dạy chữ và hướng dẫn trở thành cán bộ vận động phụ nữ, thanh niên cho các đồng chí Nông Thị Trưng, Thế Anh. Trong đó, Người đã dành tặng đồng chí Nông Thị Trưng bài thơ:
Vở này ta tặng cháu yêu ta,
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là.
Mong cháu ra công mà học tập,
Mai sau cháu giúp nước non nhà
Lời thơ mộc mạc, giản dị mà gần gũi của Người đã ẩn chứa niềm tin, hi vọng vào thế hệ trẻ, vào lớp lớp thanh thiếu niên sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, tiếp nối con đường đấu tranh giải phóng, xây dựng quê hương, đất nước.
Tháng 1 năm 1946, Bác đã viết trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán “…Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội…” cho thấy Bác đã đề cao vai trò của thanh niên trong xã hội bởi chính thanh niên là nguồn nhân lực dồi dào, có sức khoẻ, trí tuệ để sẵn sàng làm việc, cống hiến và hi sinh cho Tổ quốc, bởi chính tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Từng lời nói, từng câu chữ của Bác gửi gắm vào thế hệ trẻ hôm nay trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng với đất nước, với những trang sử anh hùng của dân tộc.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (15/5/1941 – 15/5/1961), Bác Hồ có thư gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, trong thư Bác căn dặn các cháu thực hiện năm điều sau đây:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Qua những lời dạy của Người đã cho chúng ta thấy tình yêu thương bao la, tầm nhìn sâu rộng về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thiếu nhi - là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước, “sẽ là người chủ của nước nhà”. Đồng thời, những lời căn dặn ấy hàm chứa giá trị truyền thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta. Ðó là chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần dân tộc là cơ sở của ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với Tổ quốc. Đó là lòng ham học hỏi, cầu tiến bộ; đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân; lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo và mối quan hệ tin cậy, chân thật trong cộng đồng của mỗi người dân đất Việt.
Ngày 19/5/1969, Bác viết thư khen các cháu thiếu niên hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, Người đã viết “Các cháu tuy tuổi còn nhỏ cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân. Các cháu là những người chủ nhân tương lai của nước nhà, của hợp tác xã”. Một lần nữa Người đã khẳng định lại niềm tin và sự kỳ vọng của mình vào những người chủ nhỏ của đất nước, những thanh niên tương lai của dân tộc.
Cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người vẫn để lại cho thiếu nhi tình vô vàn tình yêu thương, Người viết “cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến, hiền hòa và chu đáo với thiếu nhi. Đó là sự ấm áp vô cùng của một vị lãnh tụ vĩ đại, của người ông hiền từ dành tặng các cháu thiếu nhi non nớt.
Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết trung thu,… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam, là động lực để lớp lớp măng non ra sức thi đua học tốt, rèn luyện tốt, phấn đấu trở thành những công dân có ích, những chủ nhân tương lai của đất nước.