Bác Hồ với những mùa xuân ở Cao Bằng

Thứ tư - 17/02/2021 23:31
Cứ mỗi độ xuân về, mọi người lại bồi hồi nhớ đến Bác Hồ, nhớ những vần thơ chúc Tết rung động mọi trái tim. Bắt đầu từ mùa xuân năm 1942, lần đầu tiên Bác gửi đến mỗi người, mỗi gia đình những vần thơ chúc Tết, trong đó bài thơ mừng xuân đầu tiên được Bác sáng tác ở Cao Bằng.
Bác Hồ làm thơ bên suối Lê-nin. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ làm thơ bên suối Lê-nin. Ảnh: Tư liệu
Theo dòng lịch sử, mọi người đều biết: Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kính yêu của Đảng và dân tộc ta, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đó, Cao Bằng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam.

Trong niềm vui và xúc động, ngày Bác về đầu xuân năm đó, sau này được đồng chí Tố Hữu đưa vào thơ ca:
 
Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt!
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...    

Nhớ lại cách đây 80 năm, lúc Bác về nước được đón Tết đầu tiên sau 30 năm xa Tổ quốc, nhưng một cái Tết thật giản dị, đơn sơ trong hoàn cảnh bí mật, vì đất nước “chưa có một tấc đất tự do”. Hôm đó đầu xuân năm 1941, ông Dương Văn Đình ở Pác Bó đánh thức cả nhà dậy sớm lên rẫy cuốc đất trồng ngô xuân, cả nhà len lỏi theo đường mòn lởm chởm toàn đá dưới chân núi, mấy bố con đến Lũng Mịn.

Đang ngắm nhìn quang cảnh, mấy bố con trông thấy một ông cụ (lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc), nét mặt hiền từ đi tới. Cụ lên tiếng chào ông Đình: Năm mới, chúc cụ khỏe. Chúc các cháu thêm một tuổi tốt đẹp.

Sáng hôm sau, ông Đình bảo con dâu cả lấy túi nải xếp đầy rượu, thịt, bánh chưng, chè lam, bánh khảo, khẩu sli, thúc théc... cùng các con lên Lũng Mịn trồng ngô. Đến nơi, ông Đình cho con dâu cả và Đại Lâm mang quà Tết vào hang Cốc Bó. Thấp thoáng sau những lùm cây mọc trong khe đá có mấy người đang làm việc, mọi người nhìn thấy mấy bố con ông Đình đi lên từ xa.

Trong những người cùng ngồi có hai người già hơn có râu, đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cụ Đặng Văn Cáp. Còn cách một đoạn, ông Đình đã cất tiếng chào, mọi người đáp lại. Ông Cụ với dáng nhanh nhẹn, mắt sáng long lanh có ánh nhìn đầm ấm, tin cậy, bước ra tươi cười mời mấy bố con ông Đình ngồi. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mặc bộ quần áo chàm tay rộng, đầu để trần không khác gì một cụ ông người địa phương.

Ông Cụ hỏi ông Đình: Tết có vui không, mọi người khỏe mạnh cả chứ, làm ăn ra sao. Ông Đình thành thật nói tình cảnh dân làng bị tổng lý, kỳ hào làm khổ nhục và tỏ ra vô cùng căm tức. Ông Cụ từ tốn giải thích và chỉ vào một cái cây gần đấy rồi nói:... Dân ta như cái cây. Bọn tổng lý, kỳ hào như cái đinh mà bọn đế quốc như cái búa.

Búa đập vào đinh thì đinh mới cắm được vào cây. Muốn cho đinh không cắm được vào cây nữa thì việc cốt yếu là phải đập cho được cái búa, đánh gẫy nó đi, vứt bỏ nó đi. Bọn đế quốc mà bị đánh quỵ rồi thì những tổng lý, kỳ hào chẳng qua cũng chỉ là làng trên xóm dưới với ta cả, lo gì không uốn nắn được họ. Mọi người đều cười vang thán phục câu giải thích cụ thể mà chí lý của Ông Cụ.

Buổi trưa hôm đó, bố con ông Đình cùng ăn cơm Tết với Ông Cụ và những cán bộ ở với Người. Ngoài các món gia đình ông Đình mang lên còn có canh rau cải và một ít thịt xào mặn với mắm. Trong bữa ăn, mấy lần ông Đình năn nỉ mời Ông Cụ và các đồng chí xuống bản ăn một cái Tết nghèo với gia đình, với đồng bào Nùng Giang cho vui...

Ông Cụ bảo, vẫn muốn thế nhưng chưa xuống được đâu, vả lại cụ đã lên đây thăm và mang cho bánh trái, quà nhiều rồi. Câu chuyện nhanh chóng được chuyển qua hướng khác, Ông Cụ nói: Tôi già vẫn đi làm cách mạng, cụ già rồi cũng làm cách mạng được đấy. Lúc đầu ông Đình còn ngần ngừ lo không tham gia được nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giải thích là tùy theo sức, ai làm được việc gì thì làm việc đó. Các cụ giữ bí mật cho cách mạng, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ qua lại..., trông nom, giúp đỡ gia đình để con cháu yên tâm đi hoạt động, ủng hộ cách mạng..., vậy là ông Đình phấn khởi gật đầu.

Sau đó, được Ông Cụ giúp đỡ, ông Đình lập được một tổ phụ lão cách mạng đầu tiên ở Pác Bó do ông Đình làm tổ trưởng. Các tổ chức khác dần hình thành, ai cũng muốn gặp cách mạng để được bảo vệ, được giúp đỡ cán bộ cách mạng.

Năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đón xuân ở Pác Bó. Từ ngày đầu năm mới, Người đã có bài thơ Mừng xuân Nhâm Ngọ 1942 -  đây là bài thơ chúc Tết, mừng xuân đầu tiên của Bác được sáng tác ở trong nước và sáng tác trong dịp mừng xuân tại Cao Bằng.

“Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,/Năm cũ qua rồi chúc năm mới: /Chúc phe xâm lược chóng diệt vong!/Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!/Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!/Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!/Chúc toàn quốc ta trong năm này,/Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!/Năm Tết là năm rất vẻ vang,/Cách mệnh thành công khắp thế giới”.

Đó là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác gửi đến đồng bào cả nước, năm 1942 cũng là lần thứ hai Người được đón Tết cùng đồng bào Pác Bó. Ngày đầu xuân năm đó, sau khi Người tiếp một đoàn nam, nữ thanh niên lên thăm chúc Tết, do cần phải giữ bí mật nên Bác chưa thể công khai chúc Tết đồng bào, nhưng Bác đã gửi lời chúc Tết người già cùng toàn thể dân làng và trao những đồng trinh có phong bì giấy hồng điều gửi mừng tuổi các cháu nhỏ. Người căn dặn: “Đồng chí Vũ Anh sẽ xuống làng chúc Tết các gia đình. Đại Lâm nhớ dẫn đi từng nhà, nếu thiếu nhà nào, Đại Lâm chịu trách nhiệm”.

Mùa xuân năm 1943, mặc dù đang bị tù đày, nhưng nhớ lới Bác nhắc nhở từ trước, cán bộ ở lại vẫn tổ chức vui Tết cho bà con. Đến mùa xuân năm 1945, sau khi hoàn thành những công việc hết sức cấp bách và cần thiết, ngày 4/5, Bác tạm biệt Pác Bó, tạm biệt Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang).
Sau đó, trong những năm kháng chiến chống Pháp và hòa bình lập lại, mặc dù Bác Hồ làm việc ở xa Cao Bằng nhưng Bác vẫn nhiều lần đi công tác tại Cao Bằng, được hưởng hương vị mùa xuân đang về trên đất Cao Bằng. Đó là đầu năm 1950, Bác cùng đoàn đi công tác nước ngoài, Người đến Cao Bằng và từ Cao Bằng đi Trung Quốc, Liên Xô. Sau khi hoàn thành chuyến công tác quan trọng đó, tháng 3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước lại qua Cao Bằng.

Mảnh đất đầu tiên có vinh dự được đón Bác trở về năm nào đã in dấu bao kỷ niệm của “Già Thu”, giờ đây lại tiếp tục được ghi dấu trong chuyến đi công tác nước ngoài của Bác. Chuyến đi không công khai này được đánh dấu bằng sự kiện chính trị, ngoại giao trọng đại, chính phủ chín nước anh em lần lượt tuyên bố công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa xuân năm 1950, khắp mọi miền đất nước, quân và dân ta hân hoan đón mừng những tin vui sau chuyến đi của Bác.

Mùa xuân năm 1951, trên đường đi công tác biên giới, ngày 28/3/1951, Bác đến thăm cán bộ, chiến sĩ 2 đại đội xe ô tô đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (Đại đội 200 và 203) tại xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng (Hòa An). Người căn dặn: “… Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu…”.

Đầu năm 1952, trên đường đi công tác nước ngoài trở về, Bác qua đường Thủy Khẩu (Trung Quốc) sang Tà Lùng (Cao Bằng). Bác dừng chân tại Ban tiếp nhận viện trợ ở gần đó, buổi chiều Người đến thăm Đại đội pháo cao xạ 612. Bác đã động viên cán bộ, chiến sĩ và phát động đợt thi đua lập công; Bác hứa khi nào bắn rơi máy bay địch, báo cáo với Bác, Bác sẽ đề nghị chính phủ khen thưởng.

Những lời động viên, căn dặn của Bác trong những ngày đầu xuân năm ấy đã khích lệ, cổ vũ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Đại đội pháo cao xạ 612. Chỉ một thời gian sau, ngày 5/3/1952, Đại đội bắn rơi máy bay F8F Bêcat xuống gầm cầu Tà Lùng, thu được 4 khẩu súng canông 20 mm, một súng ngắn P38. Đơn vị báo cáo Bác, được Bác gửi thư khen ngợi và “Bác thưởng cho các chú một con bò để khao quân”. Sau đó đơn vị được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.

Trong những năm hòa bình, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù bận rất nhiều việc nhưng Bác vẫn dành cho Cao Bằng sự quan tâm lớn. Từ ngày 19 - 21/2/1961, Bác về thăm và chúc Tết đồng bào Pác Bó, đồng bào Cao Bằng.

Ngày 20/2/1961, khi Bác cùng các thành viên trong đoàn đến làng Pác Bó, trông thấy Bác, đồng bào reo hò, phấn khởi. Các cụ vây quanh Bác; có cụ nắm tay Bác. Bác và các cụ nhìn nhau nói không nên lời. Các bà, các chị ai cũng ngân ngấn nước mắt, mừng mừng tủi tủi, nhớ lại những ngày khổ nhục trước kia và cảnh no ấm, đoàn tụ ngày nay. Các cháu nhỏ chỉ biết Bác qua ảnh, qua các bài học, hôm nay mới tận mắt trông thấy Bác Hồ.

Đây “Cúng Hồ” mà ông bà, cha mẹ các cháu thường kể cho các cháu nghe: khi cha mẹ các cháu còn nhỏ bằng các cháu, “Cúng Hồ” đã ở đây lãnh đạo đồng bào đánh Tây, đánh Nhật. Hôm nay “Cúng Hồ” về thăm, các cháu vô cùng sung sướng. Cả làng Pác Bó và nhân dân quanh vùng vui mừng hân hoan đón Bác, vây quanh Bác như đón người thân đi xa về.

Khi Bác vào thăm lại hang Cốc Bó, trước cảm xúc ngày trở lại, Người làm bài thơ: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Ngày 21/2/1961, sau khi Bác đi thăm một số cơ sở tại thị xã Cao Bằng, Bác nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh. Bác căn dặn: “... Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc".

Tác giả: admin

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay4,335
  • Tháng hiện tại148,228
  • Tổng lượt truy cập7,967,089
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây