Chọn Cao Bằng về nước - một quyết định sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Thứ năm - 14/01/2021 23:19
Sau khi đã nắm chắc con đường giải phóng dân tộc, sáng lập được chính Đảng lãnh đạo cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khát khao trở về Tổ quốc. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/2/1930, Người đã viết: ''Hai lần tôi thử về Việt Nam nhưng phải quay trở lại. Mật thám và cảnh sát ở biên giới rất cảnh giác, đặc biệt là từ khi có vụ Việt Nam Quốc dân Đảng”. Nên thời cơ ''đột nội'' chưa đến với Người. Sau đó hoạt động của Người lại có những bước thăng trầm ngoài mong đợi.
Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (ngày 28/1/1941). Tranh: Trịnh Phòng
Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (ngày 28/1/1941). Tranh: Trịnh Phòng
Tháng 9/1935, khi trả lời phỏng vấn báo Xô Viết Ilia Eren bua, Người nói: ''Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc'', có thể nói trở về Tổ quốc luôn là khát vọng cháy bỏng của Người. Tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc lại rời Mát-xcơ-va tìm cơ hội về nước. Năm 1940, chiến tranh thế giới đã tạo ra dấu hiệu mới, Người khẳng định: ''Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng". Nhưng việc lựa chọn địa điểm, tức chỗ đứng chân trong nước là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định toàn bộ sự phát triển về sau của cách mạng Việt Nam.

 Ý tưởng về chọn chỗ đứng chân để xây dựng căn cứ địa cách mạng xuất hiện khá sớm trong lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1928, Người chỉ rõ: “… Việc tuyên truyền cách mạng cần phải được tiến hành trong nông dân ở mọi nơi, nhưng sức mạnh chủ yếu của Đảng phải được dồn cho một tỉnh hoặc một vài tỉnh đặc biệt… phải chỉ ra được tỉnh nào hay huyện nào quan trọng nhất theo quan điểm tuyên truyền trong nông dân, phải dồn sự chú ý của Đảng và tập trung các nguồn lực của Đảng cho tỉnh này”.

Với ý tưởng đó và với phương châm "sức mạnh chủ yếu của Đảng phải được dồn cho một tỉnh hoặc một vài tỉnh đặc biệt…" Người đã vận dụng vào thực tiễn để lựa chọn chỗ đứng chân để xây dựng căn cứ và mở rộng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Lúc đầu từ Trung Quốc, Người có ý định về nước “theo hướng Côn Minh - Lào Cai. Người phái Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc về Hà Khẩu để điều tra nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc”.

Qua tìm hiểu thấy nhân dân giác ngộ chưa cao, phong trào phát triển chưa mạnh, cơ sở Đảng chưa vững chắc, cầu Hồ Kiều nối liền biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã bị đánh sập ngày 10/9/1940. Vì vậy dự định về nước theo hướng Lào Cai không thể thực hiện được. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông tin cho Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc trở lại Côn Minh tìm hướng mới. Và hướng mới đó là Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa.

Nhưng vì sao lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa. Đây là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu, đây không phải sự lựa chọn tình cờ, ngẫu nhiên mà là một sự tính toán kỹ lưỡng vì điểm “đứng chân” hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển về sau của cách mạng. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Trước hết, Cao Bằng là tỉnh miền núi, có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài hơn 333 km, vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc nên thuận lợi cho giao thông liên lạc. Cao Bằng còn có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên… địa thế Cao Bằng hiểm trở, là địa bàn bọn thực dân khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên, “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang… đến các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Về mặt địa thế, địa hình, kinh tế, quân sự, Cao Bằng có đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc.

Song yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là "Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Lô Lô… Từ xưa đến nay các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó với nhau, cùng với đồng bào cả nước anh dũng đấu tranh trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến; tiêu biểu là người con ưu tú của dân tộc Tày, Anh hùng liệt sĩ Hoàng Đình Giong - người cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1926 - 1927; năm 1928 được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1929 được kết nạp vào Đảng và giữ chức Bí thư Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc).

Chi bộ trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn và các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam. Từ đó phong trào cách mạng càng phát triển mạnh, chính vì vậy mà Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời ngày 3/2/1930, đến ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng và là chi bộ đầu tiên ở vùng Việt Bắc được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, năm 1933, có nhiều chi bộ ở 4 huyện, trong đó Chi bộ Cốc Coóc (Quảng Hòa) giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), nơi có Chi bộ Hải ngoại của Đảng ta.

Với những hoạt động tích cực đó, năm 1933, Ban lãnh đạo Trung ương của Đảng công nhận Ban Chấp hành Tỉnh ủy Cao Bằng do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư. Sau đó là các châu ủy được thành lập ở Hòa An (năm 1933), Hà Quảng (năm 1935)... Tiếp đó, đồng chí Hoàng Như trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mát-xcơ-va (tháng 7/1935), thay mặt Đảng ta, đồng chí có bài tham luận về: “Công tác vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng” và dự Đại hội VI Quốc tế Thanh niên, sau Đại hội, Hoàng Như được ở lại học Trường Đại học Phương Đông.

Trong thời gian lưu lại Mát-xcơ-va, Hoàng Như được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ tận tình, đồng thời qua đồng chí Hoàng Như, đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiểu thêm về con người và phong trào cách mạng ở Cao Bằng.

Năm 1935, nhiều tổ chức như “Cộng sản đoàn”, “Công hội đỏ", “Nông hội đỏ”, “Hội bản”, “Hội làng"… được thành lập ở nhiều địa phương. Vì thế Cao Bằng không những có điều kiện thuận lợi cho việc duy trì, phát triển phong trào cách mạng mà còn có “hàng rào quần chúng bảo vệ” vững chắc.

Trong những năm 1938 - 1939, Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng Lục Khu - Pác Bó (Hà Quảng) gồm các xã vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia “Hội đánh tây”, “Hội phòng phỉ”… được quần chúng nhân dân ủng hộ đã xây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc. Căn cứ Lục Khu - Pác Bó vừa tiếp giáp với biên giới, nhân dân giác ngộ, có thể coi đó là địa bàn hoạt động trọng yếu của Châu ủy Hà Quảng, Tỉnh ủy Cao Bằng cũng như đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc đứng chân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Vì vậy, khi quyết định chọn Cao Bằng là nơi trở về Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn Cao Bằng có ý nghĩa chiến lược, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào cách mạng một vùng với phong trào cả nước, nhận thức, đoán định được cả triển vọng tương lai.

Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn đúng đắn đó, ngày 28/1/1941 (tức mùng hai Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Đồng bào Pác Bó - nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kính yêu của Đảng và nhân dân ta, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tác giả: admin

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay6,505
  • Tháng hiện tại154,439
  • Tổng lượt truy cập7,761,301
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây