Bác Hồ với Cao Bằng những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội

Thứ tư - 24/03/2021 00:48
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cùng với nhiệm vụ chung của miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn nỗ lực, hăng hái khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc (ngày 15/9/1958). Ảnh: T.L
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc (ngày 15/9/1958). Ảnh: T.L
Trong khôi phục kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh  quan tâm đến các ngành, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Người dành thời gian đi thăm các cơ sở sản xuất như: nhà máy, xí nghiệp, khu mỏ, bến cảng… Trong những chuyến thăm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc, tỉnh Cao Bằng.

Các thế hệ công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc nhớ mãi ngày 15/9/1958 được đón Bác đến thăm, lúc đó, Mỏ thiếc có 2.000 công nhân, 150 đảng viên. Cán bộ, công nhân Mỏ không sao quên được những cảm xúc đặc biệt hân hoan đón Bác Hồ. Hôm đó, anh chị em công nhân đang làm việc. Bác mặc bộ quần áo giản dị, chân đi dép cao su, Bác đến khu khai mỏ, nhà máy sàng, xưởng ô tô, xưởng cơ khí... Đến đâu Bác cũng hỏi điều kiện làm việc, đời sống của công nhân. Trên công trường khai thác, Người ân cần thăm hỏi tình hình mọi mặt và tỏ ra rất hài lòng khi thấy nhiều công nhân địa phương, nhất là phụ nữ đã điều khiển được máy móc hiện đại.

Bác nhấn mạnh: Bác làm việc với Ban lãnh đạo Mỏ, được biết kế hoạch năm 1958 khó hoàn thành và xin Chính phủ giảm bớt 20 tấn, còn lại 80 tấn mới có thể hoàn thành được! Việc xin hạ định mức kế hoạch, Bác thấy bất ổn, vì kế hoạch sản xuất là kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước, không những không được hạ kế hoạch mà các cháu phải tăng năng suất, vượt mức kế hoạch Nhà nước giao. Bác lấy ví dụ kế hoạch trên giao là đáy phễu, các cháu phải thực hiện ở miệng phễu... Năm nay Nhà nước giao kế hoạch Mỏ khai thác 100 tấn, cuối năm các cháu phải báo cáo với Bác là 120 tấn, thì Bác và Chính phủ mới vui.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, Mỏ thiếc Cao Bằng có nhiều chuyển biến mới. Làm theo lời Bác dặn, năm 1958, Mỏ sản xuất được 120 tấn thiếc, vượt mức kế hoạch 20 tấn thiếc, hoàn thành kế hoạch năm 1958 trước 60 ngày. Với những thành tích nổi bật trên, cán bộ, công nhân viên Mỏ thiếc vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Ngày 15/9 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Tổng Công ty Khoáng sản.
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc ngày 15/9/1958 là nguồn động viên tinh thần vô giá đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Từ đây, Cao Bằng được tiếp thêm sức mạnh, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.  

Đến đầu năm 1961, đồng bào Pác Bó và tỉnh Cao Bằng đang vui xuân thì được tin có phái đoàn Đảng, Chính phủ, Bác Hồ về thăm quê hương cách mạng. Nghe nói vậy, bà con phấn khởi, mong được đón Bác về thăm.  Chiều 19/2/1961, Bác cùng đoàn cán bộ Trung ương đến thị xã Cao Bằng. Sáng 20/2/1961 (tức ngày mùng 5 Tết Tân Sửu), Bác và đoàn đến thăm, chúc Tết đồng bào Pác Bó (Hà Quảng).  

Bác Hồ đi ô tô lên Đôn Chương (lúc Bác về thăm, từ Đôn Chương vào Pác Bó chỉ là đường mòn). Bác và đoàn đi ngựa, đi bộ. Tất cả mọi người đều có cảm giác như sống lại những ngày của cách mạng hồi đánh Tây, đánh Nhật… Bác đến nơi, cả làng Pác Bó đều ra đón Bác. Đồng bào ở các địa phương Sóc Giang, Đào Ngạn, Nà Giàng, Đôn Chương cũng đến cùng đồng bào Pác Bó đón Bác.

Bác cùng các thành viên trong đoàn xuống làng Pác Bó, trông thấy Bác, đồng bào reo hò, phấn khởi. Các cụ vây quanh Bác, có cụ nắm tay Bác, Bác và các cụ nhìn nhau nói không nên lời. Các bà, các chị ai cũng ngân ngấn nước mắt, mừng mừng tủi tủi nhớ lại những ngày khổ cực trước kia và cảnh no ấm đoàn tụ ngày nay. Các cháu nhỏ chỉ biết Bác qua ảnh, qua các bài học, hôm nay mới tận mắt trông thấy Bác. Đây “Cúng Hồ” mà ông bà, cha mẹ các cháu thường kể cho các cháu nghe: khi cha mẹ các cháu còn nhỏ bằng các cháu, “Cúng Hồ” đã ở đây lãnh đạo đồng bào đánh Tây, đánh Nhật. Hôm nay “Cúng Hồ” về đây, các cháu vô cùng sung sướng... Cả làng Pác Bó hân hoan vây quanh Bác như đón người thân đi xa về.

Nhìn Bác giản dị trong chiếc áo bông, gần gũi, thân thiết như một người cha, ai cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Trong buổi đón Bác hôm ấy, đồng bào thật nhiều cảm xúc, nhiều ý nghĩ, người thì nhắc lại những cảnh nghèo đói ngày xưa, người nhắc lại những khó khăn trong thời gian Bác hoạt động bí mật, người thì nói Bác về lần này đúng dịp Tết cách đây 20 năm khi Bác mới về Pác Bó hoạt động, người thì sung sướng thấy Bác khỏe mạnh…

Bác tặng ảnh cho nhân dân Pác Bó, mỗi tấm ảnh đều có chữ ký của Bác rất đẹp. Ba chị dân tộc Nùng vinh dự được đại diện cho nhân dân tặng Bác mấy đôi giày vải tự làm. Về đến nhà đồng chí Dương Đại Lâm, Bác chụp ảnh với gia đình, Bác ngồi ở giữa bế cháu nhỏ. Sau đó, Bác và đoàn trở lại thăm hang Pác Bó. Bác bảo đồng chí Dương Đại Hoa đưa đoàn vào thăm hang, còn Bác trồng 3 khóm trúc ven suối Lê-nin.

Bác ra ngồi trên tảng đá nhô lên mặt nước, nơi ngày xưa Bác thường ngồi câu cá. Bác kể cho mọi người nghe những ngày tháng năm 1941 Bác ở đây. Cảm xúc ngày trở lại sau 20 năm xa cách đã trào dâng trong lòng Bác, Người xúc động làm bài thơ ghi lại chặng đường lịch sử: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Ra đến bờ suối Lê-nin, Bác và các đồng chí cùng chụp ảnh trước cây hoa đào đang nở rộ. Nhân dân tập trung ở đầu làng tiễn đưa Bác, Bác vẫy tay lưu luyến chào mọi người, sau đó Bác và các đồng chí cùng đi ra Nà Mạ, nơi có mộ Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng. Từ đây, máy bay trực thăng do phi công Liên Xô lái đón Bác về thị xã Cao Bằng.

Bác nghỉ tại Tỉnh ủy Cao Bằng ở phố Vườn Cam. Sáng 21/2/1961, Bác đến thăm Bệnh viện tỉnh, Bác nhắc nhở: “Nhiều xã có trạm chữa bệnh. Như thế là khá. Cần phải tuyên truyền rộng khắp phong trào thể dục và vệ sinh phòng bệnh, làm cho mọi người biết ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”.

Sau đó, Bác đến Sân vận động Thị xã nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng. Người căn dặn một số vấn đề đồng bào và cán bộ Cao Bằng cần chú ý. Đó là phải đoàn kết giữa các dân tộc, cần, kiệm xây dựng hợp tác xã, phát triển công nghiệp, văn hóa, giáo dục, tăng cường sức mạnh của các đoàn thể quần chúng, quân đội nhân dân, dân quân tự vệ và công an nhân dân vũ trang. Người yêu cầu đảng viên, cán bộ phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

Người nói: “Đồng bào tỉnh ta đã anh dũng trong cách mạng và trong kháng chiến thì chắc đồng bào càng anh dũng trong lao động sản xuất để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay, làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm. Như thế là đồng bào tỉnh ta sẽ góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà… Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

Cuối cùng, Người thân ái gửi lời hỏi thăm tất cả đồng bào các dân tộc, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, công nhân, bộ đội, công an, dân quân, các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, các bạn Hoa kiều ở các địa phương, thân ái hỏi thăm các gia đình đã ủng hộ cách mạng trong thời kỳ bí mật, các gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ, các anh hùng và chiến sĩ thi đua và cảm ơn các đồng chí chuyên gia nước bạn đang giúp ta ở Cao Bằng.

Sự kiện Bác về thăm Cao Bằng và nói chuyện tại Sân vận động sáng 21/2/1961 là nguồn cổ vũ, động viên lớn để cán bộ, nhân dân Cao Bằng tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những năm sau này, vì tuổi cao sức yếu, không về thăm Cao Bằng được nhưng Người luôn quan tâm, dành nhiều tình cảm cho đồng bào các dân tộc Cao Bằng.

Người thường xuyên gửi lời thăm hỏi đến đồng bào, đồng chí, chúc tất cả mạnh khỏe, vui vẻ, công tác tốt, sản xuất tốt. Người gửi những tình cảm thắm thiết đến mọi gia đình, đến các cụ, các mế và các cháu nhi đồng. Đặc biệt, trong rừng hoa người tốt, việc tốt của cả nước, từ năm 1961 - 1969 có rất nhiều tấm gương cán bộ, nhân dân Cao Bằng vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu của Người.

Tác giả: admin

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay4,490
  • Tháng hiện tại149,342
  • Tổng lượt truy cập7,968,203
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây