Bởi đây được đánh giá là chuyến tàu không thể lỡ, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đáp ứng xu thế chung của thời đại.Nhiều người trẻ nhờ thích ứng nhanh và ngay lập tức ứng dụng chuyển đổi số đã đưa doanh nghiệp khởi nghiệp của mình phát triển lên tầm cao mới, gặt hái nhiều thành quả đáng mong đợi. Với họ, chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ và là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công.
Nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc nông trại Thiên Nông Bình Phước, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, sau khi sang Pháp du học, anh chọn về quê nhà Bình Phước để phát triển nông nghiệp. Anh đã đưa chuyển đổi số vào canh tác thông qua việc áp dụng nhật ký điện tử. Hiện nay, tất cả các thành viên HTX của anh Hoàng đã ứng dụng số hóa các thông tin trên phần mềm, mở nhật ký điện tử cho từng vườn, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói. Đặc biệt, anh thực hiện số hóa từng cây bơ và sầu riêng, mỗi cây sẽ có một trang nhật ký điện tử, có mã QR riêng.
Với những gì đã đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp của địa phương, mới đây anh vinh dự là một trong các điển hình tiên tiến tiêu biểu toàn quốc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Hoàng nhận định mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là lực cản lớn cho sự phát triển của nền nông nghiệp VN. Do đó, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến và chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai của nền nông nghiệp nước ta.
Cũng theo anh, hiện nay xu hướng ăn sạch, ăn để không bị bệnh đang được người tiêu dùng cực kỳ quan tâm và họ rất chú trọng tìm kiếm nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, nếu chúng ta sản xuất nông sản hữu cơ, nhưng không biết ứng dụng nông nghiệp số thì cũng mất nhiều cơ hội để kết nối người tiêu dùng, tạo niềm tin cho sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Nếu không chuyển đổi số, các DN sẽ giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Thế giới kinh doanh ngày càng tập trung vào công nghệ và chuyển đổi số. Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên vào các DN hiện đại và có triển vọng phát triển, điều này đồng nghĩa với việc các DN không chuyển đổi số có thể gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư. Anh Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, CEO FiNNO Group
"Thực sự với nông nghiệp, chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm và quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu. Và người trẻ về quê làm nông nghiệp, nếu kiên định với con đường chuyển đổi số thì chắc chắn sẽ gặt hái được thành công cả về mặt kinh tế và thương hiệu một cách bền vững mà không bị lụi tàn", anh Hoàng khẳng định.
Chị Mai Thị Tươi, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Toan Vân, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thái Bình, cũng cho biết trước đây từ công ty chuyên về cung ứng vật tư nông nghiệp, khi quyết định "lấn sân" sang sản xuất nông nghiệp thì ngay lập tức chị Tươi đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
"Bên mình là đơn vị tiên phong của tỉnh Thái Bình đầu tư nông nghiệp công nghệ cao này. Vì mình nhận thấy lợi ích của chuyển đổi số nên mạnh dạn đầu tư ngay máy móc, khoa học kỹ thuật cũng như công nghệ cao vào quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp", chị Tươi chia sẻ.
Những lợi ích mà chị Tươi nhìn thấy được từ ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp là giúp việc sản xuất được quy chuẩn, bài bản hơn. Ví dụ như công ty của chị đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel nên việc cung cấp nước tưới, phân bón, chế độ dinh dưỡng cho từng vị trí cây trồng được đồng đều hơn, từ đó gia tăng năng suất, chất lượng của nông sản. Không những thế, công nghệ còn giúp quá trình quản lý tiết kiệm thời gian, công sức cũng như nhân lực, và độ chính xác, minh bạch thì rất cao.
"Hiện nay, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, máy móc thiết bị ngày càng nhanh. Nếu như mình không cập nhật, không áp dụng ngay lập tức thì sẽ bị tụt hậu rất nhanh và làm giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường chung. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất thì máy móc, công nghệ là năng lực cạnh tranh cốt lõi hiện nay", chị Tươi chia sẻ và nhận định: "Ngày xưa có nhiều cách để đi đến đích, còn ngày nay nếu không chuyển đổi số, không áp dụng khoa học công nghệ thì khó hơn rất nhiều để thành công và thậm chí sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà của mình".
"Không chuyển đổi số, bạn sẽ biến mất"
Nhìn nhận về tầm quan trọng của chuyển đổi số hiện nay, anh Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, CEO FiNNO Group, cho rằng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet, việc sử dụng công nghệ số để cải thiện quy trình kinh doanh, tối ưu hóa hiệu suất và tăng cường trải nghiệm khách hàng đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy thành công của một dự án khởi nghiệp.
"Tôi hoàn toàn đồng quan điểm với nhận định rằng chuyển đổi số hiện nay là chuyến tàu không thể lỡ. Hay nói cách khác là không thể lên tàu chậm hơn được nữa, vì nếu lỡ chuyến tàu này, những hậu quả có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các DN khởi nghiệp. Cứ hình dung đơn giản, nếu không chuyển đổi số thì bạn như đang đi bộ trong khi người khác đi máy bay. Trong các chương trình nói về chuyển đổi số, để nhấn mạnh được hết tầm quan trọng của nó, tôi không ngại dùng cụm từ "Chuyển đổi số hay là chết". Nếu không chịu chuyển đổi số nhanh chóng, có một số hậu quả tiêu cực mà DN khởi nghiệp trẻ phải đối mặt", anh Hùng nhấn mạnh.
Những hậu quả tiêu cực mà anh Hùng muốn lưu ý, đầu tiên là mất cơ hội thị trường. Nếu không chuyển đổi số, DN sẽ bị bỏ lại phía sau, không thể tận dụng cơ hội mới từ thị trường số hóa nhanh chóng. Kế đến là đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, vì các DN chuyển đổi số sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động, tiếp cận linh hoạt hơn, tối ưu hóa chi phí và cung cấp giá trị tốt hơn cho khách hàng từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.
"Nếu không chuyển đổi số, các DN sẽ giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Thế giới kinh doanh ngày càng tập trung vào công nghệ và chuyển đổi số. Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên vào các DN hiện đại và có triển vọng phát triển, điều này đồng nghĩa với việc các DN không chuyển đổi số có thể gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, DN sẽ gặp khó khăn trong việc tương tác và giao tiếp với khách hàng hiện tại và tiềm năng", anh Hùng lưu ý.
Theo anh, ví dụ minh chứng cho chuyến tàu không thể lỡ là sự thành công của các công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng chuyển đổi số nổi tiếng trên thế giới như Grab và Airbnb. Cả hai công ty này đã tận dụng xu hướng số hóa và ứng dụng công nghệ để tạo ra các nền tảng kết nối giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ một cách thông minh và tiện lợi. Nhờ vào chuyển đổi số, họ đã tạo ra cách tiếp cận thay thế, và từ đó trở thành các công ty có giá trị hàng tỉ đô …
"Trong hơn 8 năm đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều tỉnh thành trên cả nước, nếu ai đó hỏi tôi đâu là nỗi đau lớn nhất thì tôi có thể sẽ nói ngay rằng là không ít DN có những sản phẩm rất hay ho nhưng không ai biết đến và rồi đã phải dừng lại. Lý do đơn giản là do cách thức vận hành đưa sản phẩm ra thị trường của họ quá lạc hậu, hầu như không thấy bóng dáng của ứng dụng chuyển đổi số trong truyền thông hay bán hàng. Ngày xưa trăm người bán vạn người mua, ngày nay trăm người mua nhưng có đến vạn người bán. Không chuyển đổi số, bạn sẽ biến mất", anh Hùng nhắn gửi.
Nguồn tin: TNO
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn