Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về những vấn đề cơ bản của các mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cuốn sách đã cung cấp cho thanh niên những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta để thanh niên thêm kiên định vào sự lựa chọn của dân tộc.
NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
Trong bài viết mở đầu rất quan trọng của cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư đưa ra hai xu hướng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội từ sự khủng hoảng và sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu:
Một là, những người không có lập trường tư tưởng vững vàng nên khi sự kiện “chấn động toàn thế giới” xảy ra thì tỏ rõ sự hoang mang, hoài nghi về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, đồng nhất sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn cho thấy xu hướng này xảy ra trong chính bản thân những người mácxít - những người đã từng tôn thờ chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội.
Hai là, những đối tượng có lập trường phi mácxít, có tư tưởng chống phá nên đã vin vào sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một bằng chứng không gì thuyết phục để phủ nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, bác bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của loài người. Xu hướng này chiếm đa số, trở thành làn sóng chống Mác, đòi xét lại chủ nghĩa Mác. Điển hình cho xu hướng này là trường phái trotskyist mới. Họ cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thực tiễn cho thấy, những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức khác nhau nhằm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, một số phần tử cơ hội chính trị đã lên tiếng cho rằng Việt Nam đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là “trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”; hay đó chính là “một khúc cong của lịch sử”, là “đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản”. Do đó, theo họ, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”, “tránh con đường đau khổ” mà một số nước đã đi qua để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Chính những sự xuyên tạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường, quan điểm của những người theo chủ nghĩa Mác. Biểu hiện rõ ràng nhất là xu hướng “phi mácxit hóa”, phân rã về tư tưởng, ly khai với học thuyết Mác - Lênin trỗi dậy mạnh mẽ tại hàng loạt nước từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, cũng như trong nội bộ các đảng cộng sản, các đảng xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân quốc tế trên phạm vi toàn thế giới.
Ở Việt Nam, từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, có không ít người, trong đó có cả những người cộng sản đã hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã xuất hiện những tư tưởng cơ hội đòi xét lại chủ nghĩa Mác, phủ nhận sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam vì họ cho rằng khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là một sự “kéo lùi lịch sử”, không tuân theo xu thế chung của nhiều nước trên thế giới.
Qua việc chỉ ra những xu hướng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cuốn sách của Tổng Bí thư đã tiếp tục gióng lên hồi cảnh tỉnh về tinh thần cảnh giác trước những luận điệu của các thế lực thù địch. Xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn luôn là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch, có thay đổi hình thức cũng chỉ là chiêu trò “rượu cũ bình mới”. Do đó, mỗi cán bộ, đang viên và nhân dân, trong đó có thanh niên phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh để tiếp tục vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
THANH NIÊN VIỆT NAM LUÔN VỮNG TIN VÀO CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Vì những quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, đến lập trường tư tưởng, ý thức hệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có thanh niên nên việc đấu tranh phản bác những quan điểm đó là một nhiệm vụ rất quan trọng. Điều đó giúp cho thanh niên Việt Nam luôn vững tin vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước hết, mỗi thanh niên cần phải hiểu được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và bản chất của sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội tốt đẹp được C.Mác đưa ra dựa trên việc nghiên cứu quy luật hình thành, phát triển của các hình thành kinh tế - xã hội trong lịch sử loài người. Đó là một chế độ xã hội mà theo quan điểm của C.Mác, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Do đó, ngay từ thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định đó là “tương lai của nhân loại”. Trên cơ sở kế thừa những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về chủ nghĩa xã hội và vận dụng vào điều kiện thực tiễn của nước Nga, V.I.Lênin đã lành đạo thành công cách mạng tháng Mười và đưa các nước thuộc Liên bang Xô-viết đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Điều đó đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử loài người, đưa chủ nghĩa xã hội từ một lý luận, từ mơ ước khát vọng trở thành hiện thực trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan (như vận dụng sai lầm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự phản bội của một số lãnh đạo cấp cao, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch…) mà chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã khủng hoảng và sụp đổ; song đó không phải là sự sụp đổ của một lý luận hay một chế độ xã hội mà là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể. Do nhận thức được bản chất của sự sụp đổ đó mà ngay cả trong những thời điểm cam go nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn vững vàng niềm tin về tương lai của lịch sử loài người là chủ nghĩa xã hội: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử”(1); “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(2).
Nhận thức được bản chất của sự sụp đó, mỗi thanh niên Việt Nam cần phải kiên định về lập trường tư tưởng, vững vàng niềm tin khoa học về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tránh để cho các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc.
Thứ hai, mỗi thanh niên cần có ý thức, biện pháp đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định vào sự lựa chọn của dân tộc.
Đa số thanh niên Việt Nam là những người có trí thức, được học tập, lao động, làm việc trong điều kiện đất nước hòa bình, phát triển nên phần lớn đều có lý tưởng cách mạng, yêu nước, tinh thần cống hiến, xung kích, sáng tạo… Do đó, thanh niên cần tỉnh táo trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới những hình thức khác nhau, trên những diễn đàn khác nhau, nhất là internet và mạng xã hội. Khi thấy những thông tin trên mạng xã hội, cần tỉnh táo nhận diện nguồn tin, tránh bình luận, chia sẻ tùy tiện; điều này vô tình tuyên truyền cho các luận điệu sai trái.
Thanh niên cũng cần biết lợi dụng thế mạnh của internet, mạng xã hội để tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tốt về tính ưu việc của chủ nghĩa xã hội, sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Một số thanh niên có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao cần nêu cao tinh thần đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch thông qua việc viết bài trên các sách báo, tạo chí… hay tham gia các diễn đàn báo chí, truyền hình, mạng xã hội… Những sản phẩm đấu tranh trực diện đó thường có tính lan tỏa mạnh đối với tầng lớp thanh niên, tác động trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng và định hướng dư luận trong thanh niên.
Bên cạnh đó, thanh niên cũng cần kiên định vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đúng như Tổng Bí thư từng khẳng định: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”(3). Do đó, mỗi thanh niên cần phải hướng đến những điều tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, hiểu được tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng cũng những những khó khăn, thách thức của đất nước trong thời kỳ quá độ để luôn vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Sự kiên định về lập trường tư tưởng chính là “ngọn lửa thử vàng” giúp cho mỗi thanh niên luôn kiên trì với sự lựa chọn của dân tộc, có ý thức đóng góp để xây dựng, phát triển đất nước vì khát vọng phồn vinh hạnh phúc, góp sức cùng cả dân tộc đi lên con đường chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc.
Thứ ba, tổ chức đoàn, hội các cấp cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng chính trị cho thanh niên, quan tâm đến việc định hướng dư luận cho thanh niên.
Hiện nay những quan điểm sai trái, thù địch đang được tung ra dưới nhiều nội dung, hình thức khác nhau, tác động thường xuyên, liên tục đến nhận thức, tư tưởng, thái độ của thanh niên. Vì vậy, tổ chức đoàn, hội các cấp cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục thanh niên.
Trước hết, các nội dung tuyên truyền, giáo dục cần cụ thể, thiết thực với từng đối tượng thanh niên. Đối với những quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cần chỉ rõ nội dung, bản chất của những quan điểm đó, giúp cho thanh niên có những nhận thức đúng đắn, tránh những suy nghĩ sai lệch, mơ hồ gây hoang mang về tâm lý, dao động về tư tưởng. Cùng với đó là việc xây dựng những nội dung tuyên truyền về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, những thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam để giúp cho thanh niên bồi đắp niềm tin về chủ nghĩa xã hội.
Với hình thức tuyên truyền, giáo dục, cần đổi mới theo hướng tận dụng những ưu thế nổi trội của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là internet và mạng xã hội để tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tích cực, đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái. Tổ chức đoàn, hội các cấp cần căn cứ vào đặc điểm tình hình của thanh niên các ngành, nghề, vùng, miền để có hình thức đấu tranh cho phù hợp, tránh tình trạng “bỏ trống thông tin” tạo điều kiện cho các thế lực thù địch thêu dệt, tung những thông tin không đúng sự thật hoặc câu dẫn dư luận xã hội trong thanh niên theo những mưu đồ chống phá. Đặc biệt, trước những thời điểm quan trọng, nhất là những dịp đất nước, địa phương có những sự kiện chính trị quan trọng, cần phải tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh niên góp phần nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Đúng như Tổng Bí thư đã khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tuy còn rất dài với nhiều khó khăn, thách thức; các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, các thế lực thù địch lại thường xuyên phủ nhận, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét hơn; sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn./.
________________
(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.69, 70.
(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sư thật, H, 2022, tr.36-37
Tác giả: Tỉnh Đoàn Thanh Niên Cao Bằng, TS. Lê Thị Chiên - ThS. Hà Văn Luyến
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn