Ý chí, bản lĩnh và khát vọng Việt Nam - Từ truyền thống đến Hồ Chí Minh và trong công cuộc đổi mới

Thứ sáu - 04/02/2022 04:56
Bài viết phân tích, làm sáng tỏ ý chí, bản lĩnh và khát vọng của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, đặc biệt trong di sản Hồ Chí Minh và công cuộc đổi mới, vì độc lập, tự do, hạnh phúc, xây dựng, phát triển một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, bước tới đài vinh quang, cùng nhịp bước thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu.

1. Ý chí, bản lĩnh và khát vọng trong truyền thống dân tộc

Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng (Phú Thọ) ngày 19-9-1954, sau khi nhắc nhớ “vua Hùng là một vị khai quốc, nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng”, Hồ Chí Minh nói:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”(1).

Đây là một tổng kết rất đặc sắc về truyền thống dựng nước và trách nhiệm giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Một trong những điều quý giá nhất tạo nên giá trị bản sắc của dân tộc Việt Nam là, trên cơ sở của lòng yêu nước, con người Việt Nam luôn luôn thể hiện khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước và bản lĩnh trước những gian nguy, thử thách của thiên tai, địch họa. Hồ Chí Minh đúc kết “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v.. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”(2). Nhìn lại lịch sử dân tộc ta đánh thắng quân xâm lược, Người viết: “Nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng”(3).

Một dân tộc anh hùng mà Hồ Chí Minh nói đến chứa đựng lòng nồng nàn yêu nước, bản lĩnh diệt giặc ngoại xâm và khát vọng giải phóng, phát triển đất nước. Từ Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn với lòng nhiệt huyết “Sát thát” của quân sĩ đến Hội nghị Diên Hồng với câu trả lời đồng thanh “Quyết đánh” cho thấy khí phách của một dân tộc “Thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”(4).

Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XIII là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện sâu sắc và rực rỡ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, trí thông minh sáng tạo, sức mạnh đoàn kết của toàn dân và lòng khát khao tự do.

Thắng lợi oanh liệt của quân và dân ta ở thế kỷ XV là thắng lợi của ý chí độc lập, tự do, khát vọng giải phóng dân tộc, tư tưởng tiến công, chủ động của một cuộc chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đó lấy sức mạnh đại nghĩa, tinh thần nhân văn của nhân dân ta để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo. Một trong những điều tạo nên sức mạnh quan trọng nhất là bản lĩnh khẳng định chủ quyền dân tộc, một quốc gia đã “xưng nền văn hiến từ lâu, núi sông bờ cõi đã phân, phong tục Bắc, Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi nói đến trong Bình Ngô đại cáo.

Điều đặc biệt là có sự trùng hợp thật tự nhiên trong đoạn cuối tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và những lời dặn cuối cùng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoạn cuối trong Bình Ngô đại cáo:

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh

Để mở nền muôn thuở thái bình

Để rửa nỗi nghìn thu sỉ nhục”.

Đoạn cuối trong Di chúc của Hồ Chí Minh: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(5).

Sự trùng hợp ở đây là cái bất biến “đại nghĩa”, “chí nhân” và khát vọng đổi mới. Nếu Nguyễn Trãi đã nói “giang sơn từ đây đổi mới”, thì Hồ Chí Minh nói tới mong muốn cuối cùng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Phạm Văn Đồng viết: “Hai người chắc rất hào hứng ôn lại lịch sử dân tộc và của thế giới. Bác Hồ có thể đem lại cho Nguyễn Trãi biết bao cái mới trải qua năm thế kỷ đầy những diễn biến không sao tưởng tượng được từ thời Nguyễn Trãi. Nhưng rồi hai người cũng thấy cái bất biến của dân tộc Việt Nam ta, rất thích thú về những truyền thống biết bao đẹp đẽ và hào hùng của dân tộc:

Lấy đại nghĩa thắng hung tàn

Dùng chí nhân thay cường bạo”(6).

Từ giữa thế kỷ XIX, khi phải chống lại một kẻ thù mới là chủ nghĩa thực dân phương Tây hơn nước ta một phương thức sản xuất, nhân dân ta từ Nam ra Bắc vào Trung tiếp nối truyền thống của dân tộc, tiếp tục xả thân vì đại nghĩa cứu nước, cứu dân với tinh thần “bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”(7) như lời tuyên bố của Nguyễn Trung Trực trước kẻ thù.

Ở miền Bắc, những tấm gương tuyệt thực của Nguyễn Tri Phương khi Hà Nội thất thủ năm 1873, hay Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Hà Nội rơi vào tay giặc năm 1882 đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của con người Việt Nam “thà chết vinh chứ không sống nhục”(8); “thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ”(9) như Hồ Chí Minh đã đúc kết.

Không phải chỉ có Nguyễn Trung Trực ở miền Nam, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu ở miền Bắc, mà khi giặc Pháp tấn công ở miền Trung thì tinh thần chống Pháp vẫn hừng hực với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” và những lời hịch có giá trị cứu nước lớn như “Dập dìu trống đánh cờ xiêu. Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”(10).

Khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã đầu hàng thực dân Pháp, kết thúc vai trò lãnh đạo toàn dân với ý nghĩa là giai cấp, thì phong trào dân tộc vũ trang không những tiếp tục với nhiều cuộc khởi nghĩa lớn trên địa bàn trải rộng từ miền Trung ra Bắc vào Nam, mà còn hình thành những trung tâm kháng chiến lớn trong Phong trào Cần Vương (1885-1896) do các văn thân, sĩ phu đại biểu cho lòng yêu nước của dân tộc đứng lên chống Pháp. Những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn này phải kể đến như Tạ Hiện ở Thái Bình, Nam Định; Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, Hải Dương; Phạm Bành, Đinh Công Tráng ở Thanh Hoá; Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh.

Xuất phát từ lòng yêu nước, phong trào Cần Vương là phong trào dân tộc chống xâm lược và triều đình phong kiến đầu hàng. Phong trào tuy thất bại,  nhưng tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, khát vọng độc lập và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam

2. Hồ Chí Minh - biểu tượng sáng ngời cho ý chí, bản lĩnh và khát vọng Việt Nam

Ngay từ thời thiếu niên, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục lòng yêu nước, chí căm thù giặc và khát vọng giành độc lập của các phong trào chống Pháp và các thủ lĩnh từ Phan Đình Phùng cuối thế kỷ XIX đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám đầu thế kỷ XX. Với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, lúc trạc 13 tuổi còn trên ghế trường tiểu học, Người đã hoài nghi đằng sau những từ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Từ thuở ấy, Người đã “rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”(11).

Không chỉ muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau các chữ Pháp, Người muốn đi ra ngoài xem cho rõ, đến tận nơi xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(12).

Việc Nguyễn Tất Thành ở tuổi 21 quyết định đi ra nước ngoài để về giúp đồng bào là tỏ rõ ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu “Đông du” và “muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật, nhưng anh không đi”(13). Người “thấy rõ và quyết định con đường nên đi”(14), không “Đông du” mà lại “Tây du”. Điều này cho thấy tính độc lập, bản lĩnh và trí tuệ sáng suốt của Nguyễn Tất Thành.

Tuy chưa có sự hiểu biết khoa học, lý tính như sau này khi có ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, nhưng sự hoài nghi tuổi trẻ như Nguyễn Tất Thành là rất đáng khâm phục. Hai từ “văn minh” và những chữ Pháp Tự do - Bình đẳng - Bác ái là những khái niệm rất đẹp, phản ánh giá trị phổ quát của nhân loại mà các dân tộc và mọi người hướng tới. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, Người “muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”, bởi trên thực tế đất nước ta lúc bấy giờ chẳng thấy tự do, bình đẳng, bác ái đâu, mà chỉ thấy nô dịch, bóc lột, đầy rẫy áp bức, bất công, nhà tù nhiều hơn trường học. Đoạn văn sau đây do nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam kể lại khi được tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc ở Mátxcơva năm 1923 cho thấy sự tìm hiểu, hoài nghi của Nguyễn Tất Thành là có cơ sở để từ đó Người tìm ra vũ khí để giúp đồng bào: “Đồng chí nói tiếng Pháp - tiếng của những kẻ áp bức, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe trầm trầm, lắng xuống như hồi âm của tiếng mẹ đẻ quê hương đồng chí. Nguyễn Ái Quốc đã nói đến hai chữ “văn minh” một cách đầy khinh bỉ”(15).

Tháng 6-1911 là bước khởi đầu hành trình khát vọng “tìm đường” (1911-1920) cứu đồng bào của Người. Sau mười năm “mở đường” (1921-1930), Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, Người cùng Đảng thực hiện sứ mệnh “dẫn đường” (1930-1945). Đây là một trong những quãng thời gian nhiều cam go, thử thách nhất trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Ái Quốc trong việc thực hiện sứ mệnh giải phóng Tổ quốc. Người không những bị đế quốc Anh bắt giam, tù đày hơn 18 tháng (6-6-1931 - 28-12-1932), mà còn chưa được Quốc tế Cộng sản hiểu, đánh giá đúng về tư tưởng và hoạt động của mình với tư cách là một người cộng sản chân chính, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng, chính trong gian lao, thử thách, nhân cách của người cách mạng cộng sản Nguyễn Ái Quốc càng bộc lộ một cách rõ rệt nhất. Người vẫn chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc để làm cách mạng giải phóng dân tộc. Gần sáu năm từ khi được trả tự do, về Liên Xô hoạt động, học tập, nghiên cứu, làm được nhiều việc có ích cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa và Quốc tế Cộng sản, nhưng Người vẫn coi đó là thời gian trong “tình trạng không hoạt động”(16), “như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”(17), một “tình cảnh đau buồn”(18).

Không có gì ngăn cản được ý chí, bản lĩnh và khát vọng giải phóng của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi rời khỏi biên chế của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản, trong lộ trình về nước, khi nghe tin Pari bị quân Đức chiếm (ngày 20-6-1940), Nguyễn Ái Quốc phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(19).

Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc về tới cột mốc 108 biên giới Việt - Trung. Sống trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, chỉ với “cháo bẹ, rau măng”, nhưng Nguyễn Ái Quốc nhận ra rằng “cuộc đời cách mạng thật là sang”(20) và sẵn sàng “hai tay xây dựng một sơn hà”(21).

Khó khăn lớn nhất của cách mạng lúc này là “dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật”(22). Trước sức mạnh của kẻ thù hung bạo Pháp - Nhật và tay sai của chúng, Hồ Chí Minh và Đảng ta thể hiện bản lĩnh cách mạng phi thường “thay đổi chiến lược”(23). Ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng giải phóng của Hồ Chí Minh và Đảng ta thể hiện rõ: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(24).

Trong thư Kính cáo đồng bào, Người nói rằng, trước tình cảnh đau đớn, xót xa, dân ta quyết không chịu khoanh tay chờ chết. Hơn 20 triệu con Lạc, cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi. Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm… Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”(25).

Hồ Chí Minh truyền quyết tâm, tín tâm, đồng tâm và cảm hứng cho cả dân tộc “Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta”(26). Người thổi bùng ngọn lửa đánh Pháp, đuổi Nhật, đặng giải phóng Tổ quốc, xây nước non nhà:

“Việt Nam độc lập đồng minh

Có bản Chương trình đánh Nhật, đánh Tây

Quyết làm cho nước non này,

Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền:

Làm cho con cháu Rồng Tiên,

Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta”(27).

Với Hồ Chí Minh, “trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do?”(28). Vì vậy, “muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”(29); “gian khó không lùi vẫn tiến lên/Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên/Quyết tâm gắng gỏi và kiên nghị/Nhất định thành công sẽ có phen”(30).

Khát vọng, tin tưởng, lạc quan là nguồn mạch vô tận ở Hồ Chí Minh. Cho nên, ở trong tù nhưng Người luôn nghĩ tới ngày mai tươi đẹp, quy luật cuộc sống cũng như quy luật tự nhiên “Sự vật vần xoay đã định sẵn/Hết mưa là nắng hửng lên thôi… /Người cùng vạn vật đều phơi phới/Hết khổ là vui vốn lẽ đời”(31). Trong lúc sốt cao, ốm nặng, Người vẫn nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(32).

Cách mạng Tháng Tám thành công. Đó là sự thắng lợi của sức dân, lòng dân, trí dân, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên, chúng ta không những phải được tự do, phải được độc lập, mà còn có quyền hưởng tự do và độc lập. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp, thì vấn đề không chỉ có quyền hưởng tự do và độc lập mà điều quan trọng là “toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(33). Ý chí, bản lĩnh và khát vọng ấy của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập được chuyển tải cho toàn dân tộc khi thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Người nói: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào. Chúng ta phải đứng lên!”(34). Khi cuộc kháng chiến ở giai đoạn tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công, “có người cho rằng: Cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đấu voi”(35). Nhưng, Hồ Chí Minh với cách nhìn biện chứng, “quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:

Nay tuy châu chấu đấu voi

Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”(36).

Khi cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở đỉnh cao của ác liệt, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(37).

Viết Di chúc năm 1965, Người khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(38). Năm 1969, Người khẳng định lại ý chí, quyết tâm và niềm tin chắc chắn thắng lợi: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(39).

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất là, cùng với ý chí, bản lĩnh, niềm tin, Hồ Chí Minh luôn luôn nuôi dưỡng và thể hiện khát vọng về một đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, bước tới đài vinh quang, cùng nhịp bước với các nước trên hoàn cầu, sánh vai các cường quốc năm châu. Người có niềm tin: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(40).

“Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”(41).

Trong nhiệm vụ “sẽ xây dựng lại đất nước to đẹp, đàng hoàng”, Hồ Chí Minh không hề ảo tưởng, chủ quan, Người nhận thức rõ đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp, khó khăn và nặng nề. Đây là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(42). Vì vậy, Người dặn “chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm”(43). Trong kế hoạch đó, trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng; là công việc đối với con người; là phát huy vai trò của nhân dân. Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(44).

3. Ý chí, bản lĩnh và khát vọng Việt Nam trong công cuộc đổi mới

Từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới. Để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, sai lầm, Đảng đã tỏ rõ thái độ, bản lĩnh của mình là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”(45).

Đại hội VII của Đảng diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều bất lợi cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. CNXH ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Trong sự dao động của không ít những người cộng sản, Đảng ta đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định giữ vững định hướng XHCN. Quan điểm của Đảng rõ ràng: “Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp”(46). Đồng thời, Đảng nêu lên điểm mới về nền tảng lý luận - tư tưởng của cách mạng, đó là “cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”(47).

Trong Cương lĩnh, Đảng ta nói rõ khát vọng về CNXH, trong đó chứa đựng những nhân tố tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, con người, quan hệ các dân tộc trong nước, quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Đảng có niềm tin trên cơ sở khoa học, nhận thức đúng quy luật và hành động theo quy luật: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(48). Những quan điểm đó tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2021). Bổ sung quan trọng là Đảng ta nêu hệ mục tiêu trong khát vọng phát triển là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng ta xác định, Cương lĩnh của Đảng là ngọn cờ chiến thắng vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên CNXH, “thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc”(49).

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tại Đại hội XIII, Đảng rút ra một số bài học kinh nghiệm, có những khía cạnh liên quan trực tiếp tới ý chí và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, như: phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, tích cực.

Một trong những khía cạnh trong mục tiêu tổng quát thể hiện khát vọng của Đảng và dân tộc ta là “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cơ sở của niềm tin thực hiện khát vọng mà Đảng ta nêu lên chứa đựng cả lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động. Về lý luận, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Về thực tiễn và hành động, Đảng chỉ rõ phải chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển. Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ XHCN, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn.

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tới bản lĩnh, ý chí kiên cường, quyết tâm và khát vọng của cả dân tộc “vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(50).

Nhất quán mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng ta khẳng định: “Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”(51).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2021

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.209.

(2), (35), (36) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.38, 29, 29.

(3), (8), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.98, 98, 460.

(4) Câu trả lời của Trần Bình Trọng khi bị giặc bắt đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc.

(5), (37), (38), (39), (40), (41), (42), (43), (44) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.614, 131, 612, 618, 131, 612, 617, 616, 617.

(6) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.294.

(7) Câu nói của Nguyễn Trung Trực khi nhận án tử hình ngày 27-10-1868.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.286.

(10) Hịch cứu nước của nhân dân và quan chức yêu nước Nghệ - Tĩnh những thập niên cuối thế kỷ XIX, sau Hiệp ước Giáp Tuất 1874.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.461.

(12) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.30.

(13), (14) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.14, 14.

(16), (17), (18), (20), (21), (22), (25), (26), (27), (28), (29), (30), (31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.117, 117, 117, 228, 227, 229, 230, 237, 249, 366, 305, 438, 450.

(19), (32) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t.2, Sđd, tr.99, 225.

(23), (24) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr.118, 113.

(33), (34) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.3, 534.

(45) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, 1987, tr.12.

(46), (47) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, 1991, tr.53, 127.

(48) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8.

(49) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb  Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.90.

(50) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.352.

(51) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Sđd, tr.11.

Tác giả: PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn tin: Theo http://lyluanchinhtri.vn/

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage
Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay8,896
  • Tháng hiện tại175,346
  • Tổng lượt truy cập7,782,208
Huy Hiệu Đoàn
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐOÀN THANH NIÊN CAO BẰNG
Địa chỉ: Khối nhà MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063. 852. 165  - Fax: 02063. 852. 165
Email: tinhdoan@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Bí thư Tỉnh Đoàn
Ghi rõ nguồn http://tinhdoan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây